Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: SHB) vừa công bố nghị quyết của HĐQT thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của ngân hàng.
Cụ thể, SHB dự kiến chào bán 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:20, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách thì có 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua thì được mua thêm 20 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 12.500 đồng/cổ phiếu.
Số tiền thu được từ đợt chào bán này là 6.667 tỷ đồng. SHB sẽ sử dụng số tiền này cho mục đích mở rộng quy mô cho vay, trong đó 6.257 tỷ đồng dùng cho mục đích mở rộng quy mô cho vay doanh nghiệp và 410 tỷ đồng cho mục đích mở rộng quy mô cho vay cá nhân. Thời gian dự kiến giải ngân vào quý IV/2022 đến quý I, II/2023.
SHB chuẩn bị chia cổ tức và tăng vốn điều lệ lên 36.459 tỷ đồng (Ảnh: SHB). |
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ tiến hành phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới.
Nguồn vốn được sử dụng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức là từ nguồn lợi nhuận sau thuế và sau khi trích lập các quỹ đầy đủ theo quy định pháp luật và theo báo cáo tài chính năm 2021.
Ngoài ra, SHB cũng dự kiến phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ phát hành dự kiến là 1,69%. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Số tiền thu được từ đợt chào bán cho người lao động là 451,2 tỷ đồng. Số tiền này được SHB được sử dụng cho mục đích mở rộng quy mô cho vay, trong đó 340,2 tỷ đồng được sử dụng cho mục đích mở rộng quy mô cho vay doanh nghiệp và 111 tỷ đồng cho mục đích mở rộng quy mô cho vay cá nhân.
Thời gian giải ngân dự kiến vào quý IV/2022 và quý I, II/2023. Cổ phiếu phổ thông phát hành cho người lao động sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 18 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Hiện vốn điều lệ của SHB ở mức 26.674 tỷ đồng. Sau khi thực hiện các phương án phát hành trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên mức 36.459 tỷ đồng.
Phương Liên