Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) ngày 27/4 đã tổ chức phiên họp thường niên năm 2024.
Tại phiên họp, cổ đông thắc mắc về việc duy trì biên lãi thuần (NIM - phản ánh sự chênh lệch tỷ lệ giữa thu nhập lãi và chi phí lãi của ngân hàng) khi ngành ngân hàng nói chung và VietinBank vẫn phải dựa vào cho vay, song bối cảnh cho vay toàn ngành đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank - cho biết NIM là thách thức nhưng có nhiều biện pháp để giữ, như chủ động về quy mô, kỳ hạn để cơ cấu vốn. Đặc biệt, với mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao ngay từ đầu năm là 14,05%, VietinBank đặt mục tiêu tăng tín dụng liên tục. Vị này cho biết VietinBank tăng tín dụng bền vững trong khi nhiều đơn vị khác giảm.
Ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank (Ảnh: CTG). |
Về vấn đề tỷ giá, lãi suất, ông Đỗ Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành - cho biết tỷ giá đã liên tục tăng từ quý cuối năm ngoái. "Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5-1,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái để ổn định tỷ giá", ông Sơn nói. Theo vị lãnh đạo, lãi suất ngân hàng chắc chắn sẽ tăng.
Trong phiên họp, cổ đông cũng quan tâm vấn đề nợ xấu ngân hàng. Ông Nguyễn Thế Huân - Thành viên HĐQT - nhận định nợ xấu có xu hướng tăng từ năm 2023 và sang năm 2024 toàn ngành vẫn đối mặt áp lực gia tăng do nền kinh tế còn nhiều bất ổn và khó dự báo.
"Nội tại một số ngành như bất động sản vẫn khó khăn, chưa phục hồi rõ nét. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất gia hạn Thông tư 02 tới hết năm 2024, là giải pháp giúp doanh nghiệp và ngành ngân hàng đối phó với việc nợ xấu gia tăng", ông nói.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu VietinBank là 1,13%. Năm nay, VietinBank mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và nợ nhóm 2 dưới 3%.
Đại diện ngân hàng tại phiên họp Đại hội cổ đông thường niên 2024 (Ảnh: CTG). |
Đánh giá về thị trường năm nay, ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT - cho biết ngành bất động sản đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Năm nay, ông Tần đánh giá thị trường có khả năng phục hồi vào cuối năm hoặc trong quý III, song mức độ phục hồi giữa các phân khúc không đồng đều.
Cụ thể, các phân khúc chung cư, đất nền với mức giá phù hợp sẽ có độ phục hồi cao hơn, trong khi các phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục khó khăn. Phân khúc bất động sản khu công nghiệp dự kiến cũng ghi nhận đà phục hồi tốt căn cứ vào sự phát triển các khu công nghiệp ở miền Bắc.
Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 của VietinBank dự kiến như sau: Tổng tài sản tăng trưởng từ 8-10%; dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 1,8%...
Quý I/2024, VietinBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 15.174 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietinBank tăng 12,24% lên 14.259 tỷ đồng. Ngân hàng dành ra hơn 8.049 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. VietinBank lãi trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ.
Thảo Thu