Trao đổi tại cuộc họp báo chiều 8/10 tại TPHCM, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang hoạt động bình thường, ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định có biện pháp để đảm bảo hoạt động của ngân hàng SCB ổn định, liên tục.
Ông Tuấn nhắc lại thông điệp tiền gửi tại ngân hàng là tài sản của người dân, được đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp. Ông đề nghị người dân không hoang mang, lo lắng do những thông tin không chính thống dẫn đến việc rút tiền gửi trước hạn, qua đó bị mất phần lãi suất đáng ra được hưởng mà chỉ nhận được lãi suất tiền gửi không kỳ hạn rất thấp.
Ông Hoàng Minh Hoàn - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành SCB - nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định đã kiểm soát tình hình, thanh khoản của ngân hàng đang được giữ ổn định, ngân hàng đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền đúng theo quy định của pháp luật".
Thông tin thêm về phương án đảm bảo giao dịch, ông Hoàn cho biết SCB đã tăng lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả điểm giao dịch, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền chính đáng của khách hàng. Đồng thời, SCB tăng cường lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo nhu cầu thanh toán liên ngân hàng, từ SCB qua ngân hàng khác và ngược lại.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM Võ Minh Tuấn (bên phải) khẳng định ngân hàng SCB đang hoạt động ổn định, bình thường (Ảnh: CH). |
Theo đại diện SCB, lượng khách hàng đến các điểm giao dịch của ngân hàng rất đông, có nhiều khách hàng rút số tiền lớn không báo trước. Do đó, phía SCB đã tăng cường nhân sự, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan địa phương theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để phân luồng, sắp xếp khách hàng giao dịch ổn định, trật tự.
Liên quan cơ cấu cổ đông của SCB, ông Hoàn thông tin đến hết tháng 9, ngân hàng có 4.132 cổ đông. Trong đó, có 7 cổ đông nước ngoài, sở hữu 27,9% vốn điều lệ SCB. Cổ đông trong nước là 4.125, bao gồm 11 tổ chức sở hữu 15,7% vốn điều lệ và 4.114 cổ đông cá nhân sở hữu 56,1% vốn điều lệ SCB.
Tại buổi họp báo, đại diện SCB nhận được câu hỏi về vai trò liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông nhưng chưa đưa ra câu trả lời.
SCB đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB. Đồng thời, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý, điều hành tại SCB. Phía nhà băng này cho biết do đó, vụ việc không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của ngân hàng.
Phó tổng giám đốc SCB Hoàng Minh Hoàn cho biết thanh khoản của ngân hàng đang ổn định (Ảnh: CH). |
Ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan, đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019.
4 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm:
Bà Trương Mỹ Lan, 66 tuổi, ở TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Huệ Vân, 34 tuổi, ở TPHCM, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor.
Bà Nguyễn Phương Hồng, 38 tuổi, ở TPHCM, Trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Ông Hồ Bửu Phương, 50 tuổi, ở TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo Việt Đức
Dân trí