Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Sẽ đưa 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn quốc tế

Mai Chi
Mai Chi

Sau khi hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến cuối năm 2020, mục tiêu sau đó của ngành ngân hàng là sẽ có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài trước khi hết năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Quan điểm của chiến lược này đó là hệ thống các tổ chức tín dụng, gồm mọi thành phần kinh tế, được đối xử bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Nhà nước chỉ can thiệp hành chính trực tiếp trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng khi phát sinh nguy cơ mất ổn định thị trường tiền tệ, đe doạ an toàn hệ thống, có khả năng đe doạ đến ổn định kinh vĩ mô.

Hai năm tới, toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần sẽ "lên sàn"

Chiến lược đặt mục tiêu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.

Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng. Đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Theo chiến lược này, hệ thống các tổ chức tín dụng được phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.

Tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan sẽ được từng bước xử lý và xoá bỏ.

Đến cuối năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó, ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên; ít nhất 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng được nâng lên khoảng 12-13%; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam; nâng mức vốn pháp định đối với quỹ tín dụng nhân dân.

Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Trong giai đoạn này, tất cả các ngân hàng thương mại đều đã áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt. Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ nâng lên 16-17% và nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%.

Bích Diệp

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.