Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, mã chứng khoán: SGB) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 240,5 tỷ đồng, tăng 1,5% so với quý II/2022.
Trong khi đó các mảng kinh doanh còn lại đều ghi nhận lãi giảm so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ lãi 9,7 tỷ đồng, giảm 19%. Mảng kinh doanh ngoại hối đem về 6,1 tỷ đồng, giảm 33%. Hoạt động khác lãi 9 tỷ đồng, giảm hơn 60%.
Chi phí hoạt động quý II ghi nhận 134 tỷ đồng, tăng 27%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 53,5 tỷ đồng, giảm 48%. Kết quả, ngân hàng báo lãi trước thuế quý II đạt 79 tỷ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Saigonbank báo lãi trước thuế 183 tỷ đồng tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần vẫn đóng vai trò chủ chốt khi đem về hơn 463 tỷ đồng, tăng 3,2%. Chi phí hoạt động tăng 24,5% lên 264 tỷ đồng, chi phí dự phòng giảm 53% còn 85,2 tỷ đồng.
Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 300 tỷ đồng được ngân hàng đề ra cho cả năm, SaigonBank sau 6 tháng đã thực hiện được 61%.
Tính đến hết ngày 30/6, tổng tài sản của ngân hàng này ở mức 26.848 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,4% lên hơn 19.166 tỷ đồng, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 5% lên 195 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến cuối quý II tăng gần 11% lên 440 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi nghờ) tăng 46% lên 127 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gần 20% lên 280 tỷ đồng. Riêng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cải thiện giảm 56%, còn 33 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu so với cuối năm 2022 tăng từ 2,12% lên 2,29%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 46,8% xuống 44%.
So với đầu năm, tiền gửi khách hàng tăng 6,2% lên hơn 21.775 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi không kỳ hạn giảm 12,8% xuống còn 1.639 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA giảm từ 9,2% đầu năm xuống còn 7,5%.
Tổng số cán bộ nhân viên tính đến cuối tháng 6 là 1.433 người, tăng gần 3% so với đầu năm. Nửa đầu năm, thu nhập bình quân nhân viên SaigonBank ghi nhận 18 triệu đồng/người/tháng.
Nhật Quang