Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Sacombank có thu được 20.678 tỷ đồng từ 4 khối bất động sản khổng lồ?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sacombank vừa rao bán một loạt bất động sản để xử lý nợ, trong đó có 4 khối bất động sản giá trị lên tới 20.678 tỷ đồng.

Trong đó, bất động sản (BĐS) lớn nhất mà Sacombank đang rao bán là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú huyện Bình Chánh, TP.HCM với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào ngày 27/9/2018.

Khu bất động sản này có diện tích 134 ha, trong đó 67 ha là đất khu công nghiệp, 67 ha là đất dành cho khu dịch vụ công nghiệp (đã thực hiện việc đền bù quỹ đất 120,2 ha, phần đất còn lại 13,8 ha chưa hoàn thành việc thanh toán đền bù). Toàn bộ là đất khu công nghiệp với thời hạn sử dụng 50 năm, dự án do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư.


Khu công nghiệp Phong Phú - Ảnh: Sacombank

Khu công nghiệp Phong Phú - Ảnh: Sacombank

Từ năm 2012, từng phần diện tích được đề bù đã được sử dụng để thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Sau khi ngân hàng này sáp nhập vào Sacombank, các khoản thế chấp trên trở thành tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của nhiều doanh nghiệp và cá nhân tại Sacombank.

Dự án bất động sản nghìn tỷ lớn thứ 2 mà Sacombank đang rao bán tại quận Bình Tân, TP.HCM là toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 – khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B. Khối BĐS này được rao bán với giá khởi điểm 6.698 tỷ đồng, gồm 1 phần thửa đất 122 có diện tích 60.960 m2 được xây dựng khu nhà ở và cơ sở hạ tầng. Dự án tiểu khu 3 – KDC Bình Trị Đông có diện tích 473.164 m2.

Khối bất động sản thứ 3 là dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Toàn bộ 2.455 quyền sử dụng đất tại dự án này có tổng diện tích 602.225,8m2, cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 4,5km. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra là 4.565 tỷ đồng. Toàn bộ nghĩa vụ thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng tài sản sẽ do bên mua chịu.


Khu dân cư phường Bình Thủy - Ảnh: Sacombank

Khu dân cư phường Bình Thủy - Ảnh: Sacombank

Tại Quận 9, TPHCM, Sacombank đang rao bán dự án khu nhà ở phường Long Bình, có diện tích đất là 164.949,9 m2. Dự án đã có quyết định giao đất, quy hoạch 1/500, hoàn thành bối thường, giải phóng mặt bằng và san lấp, hiện tại tài sản dùng để làm nhà kho và bãi giữ xe. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra là 1.815 tỷ đồng.

Ngoài 4 khối BĐS hàng nghìn tỷ trên, Sacombank còn đang rao bán hàng loạt BĐS khác có giá trị lớn từ vài trăm đến hơn 800 tỷ đồng, như: bất động sản 61-63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại Quận 1, TP.HCM có tổng diện tích hơn 800 m2 với giá khởi điểm 811 tỷ đồng; BĐS rộng 6.382 m2 tại 36/70 đường D2, Phường 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM với giá khởi điểm 447,45 tỷ đồng,…

Tiến trình xử lý nợ xấu ở Sacombank đang được đẩy nhanh hơn trong khoảng 1 năm trở lại đây. Cuối năm ngoái, ngân hàng này cũng đã đấu giá thành công TSBĐ là 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị 9.200 tỷ đồng, sau khi phải hạ giá bán gần 900 tỷ.

Trước đó, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết: Sáu tháng cuối 2017 năm bộ máy lãnh đạo mới của Sacombank đã giải quyết một “núi” công việc mà quan trọng là xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm.

"Chúng tôi đã “gồng mình lên” để tìm và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng. Phải nói là Sacombank chạy đua với thời gian để xử lý nợ. Tính đến cuối năm 2017, chúng tôi đã thực hiện được hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó, hơn 15.000 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt", ông Minh nói.

Theo ông Minh, Sacombank đã chuẩn bị kỹ cho việc bán đấu giá các tài sản trên nhằm đảm bảo việc thu hồi nợ tốt nhất cho Sacombank. Các tổ chức tham gia đấu giá đều nhận định đây là các bất động sản rất có tiềm năng về đầu tư và không dễ tìm được các quyền sử dụng đất diện tích lớn và tập trung như vậy trên địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, một khi được khai thác tốt, các tài sản có khả năng mang lại nguồn thu lớn.

An Hạ

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.