Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải vừa có báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020 (NSNN), dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội
Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết, đại dịch Covid-19, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng hầu hết đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta và ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ NSNN.
Về thu NSNN, theo ông Hải, dự ước cả năm thu đạt hơn đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán.
“Do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định, nợ đọng thuế còn cao, nhiều địa phương trọng điểm thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán” – ông Hải nói.
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn khả năng thu NSNN nhất là thu tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, thu từ dầu thô để có giải pháp điều hành NSNN phù hợp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấuthu NSNN đạt mức cao nhất trong những tháng còn lại của năm 2020.
Về chi NSNN, ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là hơn 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh, góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước
Đề cập tới bội chi và cân đối NSNN năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội thông tin ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Ủy ban TCNS cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý.
Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP. Các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn.
“Đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia” - Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội nêu rõ.
Ông Hải cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội bổ sung dự toán thu, chi NSNN năm 2020 theo các Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban TCNS thống nhất đề nghị Quốc hội chấp thuận bổ sung dự toán thu, chi ngân sách và một số vấn đề phát sinh trong điều hành NSNN năm 2020.
Năm 2021, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng.
Do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021, GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%. Theo đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Như vậy, về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành, nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên.
“Ủy ban TCNS của Quốc hội cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu tổng hợp về dự toán NSNN năm 2021 và đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn vì quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp có liên quan đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia” - Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh