Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Phó TGĐ Agribank: "Ai nói không được giảm lãi suất, hãy gọi ngay cho tôi"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chia sẻ với Dân trí, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - khẳng định: "Nếu có bất kỳ một khách hàng nào của Agribank nói không được giảm lãi suất, hãy liên hệ ngay với tôi".

Lãi suất ưu đãi vẫn là thách thức với doanh nghiệp

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cho biết ngân hàng vẫn đang chủ động với các chính sách hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, gần 3 tháng nay, khi nhiều địa phương trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội, không có khách hàng (trừ khách hàng cá nhân, khách hàng giao dịch online) đến được với ngân hàng.

"Nhiều tỉnh đang giãn cách, khách hàng cũng không đến được ngân hàng còn ở các chi nhánh trên địa bàn, số cán bộ được cấp giấy phép đi làm ít quá, nên chắc phải hết đợt phong tỏa giãn cách này mới biết được nhu cầu thực tế khách hàng đến đâu. Thủ tục cơ cấu nợ cần có giấy tờ, hồ sơ cũng chưa làm được, phải chờ hết giãn cách", bà Phượng nói khi đề cập tới Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành nhằm gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19.

Từ giữa tháng 7, ngân hàng này đã giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Theo ước tính của bà Phượng, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 4.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng, còn tính từ đầu năm thì con số này khoảng 6.000 tỷ đồng.

Phó TGĐ Agribank: Ai nói không được giảm lãi suất, hãy gọi ngay cho tôi - 1

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank - cho biết gần 3 tháng nay, khi nhiều địa phương trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội, không có khách hàng (trừ khách hàng cá nhân, khách hàng giao dịch online) đến được với ngân hàng.

Về chuyện vẫn có doanh nghiệp, khách hàng cá nhân kêu khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, không được giảm lãi suất, muốn giảm chỉ có thể lên tivi, vị nữ lãnh đạo Agribank khẳng định: "Nếu có bất kỳ một khách hàng nào của Agribank nói không được giảm lãi suất, hãy liên hệ ngay với tôi. Tất cả các khách hàng của ngân hàng đều được áp dụng chính sách giảm như trên. Ngân hàng không phân biệt đối tượng khách hàng".

Theo bà Phượng, ngân hàng biết sau Covid-19, rất nhiều khách hàng khó khăn, nhưng quy định không hạ chuẩn cho vay là một điểm vướng, ngân hàng có thể hỗ trợ lãi suất nhưng các điều kiện cho vay không được thay đổi theo hướng nới lỏng. Bà Phượng đánh giá, đây cũng là một cái khó cho doanh nghiệp, nhưng không hạ chuẩn là một quy tắc xuyên suốt của ngành ngân hàng nhằm bảo đảm hoạt động của ngân hàng.

Vậy Agribank sẽ áp dụng chính sách lãi suất đối với khách hàng mới như thế nào nếu không hạ chuẩn cho vay? Bà Phượng cho hay, chính sách sẽ tùy lĩnh vực, có những lĩnh vực ưu tiên sẽ được hưởng lãi suất 5%/năm; còn với lĩnh vực bất động sản, cho vay tiêu dùng, lĩnh vực không khuyến khích thì khác.

Với cho vay tiêu dùng, ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất tương đối thấp so với nhiều ngân hàng khác, cùng với đó là các gói hỗ trợ khách hàng, tùy địa bàn thành phố, nông thôn sẽ có các chính sách khác nhau; còn cho vay có tài sản đảm bảo thì tùy thuộc vào giá trị của tài sản đảm bảo.

Đề cập tới mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, bà Phượng thẳng thắn thừa nhận, đối với các doanh nghiệp khó khăn hiện nay vẫn là một thách thức vì doanh nghiệp đang phải cầm cự, các chi phí sản xuất lớn nhưng nguồn lực ngân hàng thì giới hạn.

"Trong hoàn cảnh hiện nay, ngân hàng cũng đang phải chịu áp lực rất lớn, thế nên lãi suất cho vay không thể giảm sâu hơn được nữa. Nếu muốn lãi suất giảm nữa phải có các gói kích cầu từ ngân sách, mà ngân sách thì đang rất khó khăn. Cùng nương nhau để đi qua giai đoạn này thôi, chứ ngân hàng và doanh nghiệp đều phải hỗ trợ nhau để cùng vượt qua. Tôi rất ngại cách đổ lỗi cho bên nào, ngân hàng thì bảo doanh nghiệp không đủ điều kiện để cho vay, còn doanh nghiệp lại bảo ngân hàng thắt chặt hầu bao không chịu cho vay. Nhưng nếu không cho vay, ngân hàng chết ngay, huy động vốn vào mà không cho vay ra được ngân hàng cũng chết", bà Phượng chia sẻ.

Không hạn chế cho vay

Đại diện Sacombank cũng cho biết ngân hàng luôn thực hiện khung lãi suất cho vay phù hợp với thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, sản xuất kinh doanh. Với những doanh nghiệp còn có khả năng trả nợ, ngân hàng thực hiện các gói cho vay ưu đãi, hạ khung lãi suất, giảm phí dịch vụ... để hỗ trợ cho những khó khăn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Cụ thể, ngân hàng đang giảm lãi suất đến 1% với các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh, điều chỉnh giảm biểu lãi suất vay, giảm phí dịch vụ và có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. 

Phó TGĐ Agribank: Ai nói không được giảm lãi suất, hãy gọi ngay cho tôi - 2

Ngân hàng vẫn cần khách hàng, bởi huy động vào mà không cho vay ra, ngân hàng cũng chết (Ảnh minh họa).

Trả lời câu hỏi vì sao với mức lãi suất ưu đãi chỉ dưới 5%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được, đại diện Sacombank cho rằng, nếu thẩm định doanh nghiệp có nhu cầu vốn thật sự, hay đang gặp khó khăn…, ngân hàng sẽ áp dụng ngay lãi suất ưu đãi tùy theo nhóm ngành, nhóm khách hàng ưu tiên. Bên cạnh đó, các ngân hàng muốn thu hút khách mới, tăng trưởng tín dụng chứ không hạn chế. 

"Tuy nhiên tính hấp thụ vốn của nền kinh tế trong giai đoạn còn thấp. Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng phần vốn tích lũy của mình vào trong kinh doanh. Hy vọng thời gian tới, sau khi tình hình dịch kiểm soát tốt, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và thị trường tín dụng sẽ khởi sắc", vị đại diện này cho hay.

Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế khoảng 62.200 tỷ đồng trong năm nay. Con số này cao gấp hơn 2 lần tổng hỗ trợ năm 2020 và tương đương gần 30% lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng. Riêng chính sách miễn giảm lãi và cho vay mới với lãi suất ưu đãi, có thể khiến cho lợi nhuận năm nay của các ngân hàng giảm 52.300 tỷ đồng.

Thực tế, trong các năm qua, ngành ngân hàng vẫn báo lãi lớn, bất chấp đại dịch Covid-19. Thống kê của Dân trí cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng lợi nhuận của 18 ngân hàng niêm yết thấp nhất 24%, cao lên đến 434% với con số tuyệt đối dao động từ trên 1.000 tỷ đồng đến cả gần 13.600 tỷ đồng. Biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng ngày càng tăng cũng cho thấy chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động ngày càng nới rộng. 

Dù thế, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng không thể nhìn vào mức lợi nhuận cao mà các ngân hàng công bố gần đây để đòi hỏi một mức hỗ trợ cao hơn cho người vay, bởi các con số này sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian tới.

Nguyễn Hiền

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.