Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Phi vụ 1.200 lượng vàng của cựu trung tá công an

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cựu trung tá công an bất ngờ thừa nhận hành vi ký chứng từ nộp khống 1.200 lượng vàng tại DongABank...

Mới đây, CQĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần hai, chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị ra cáo trạng truy tố các bị can gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng tại DongABank. Trước đó, tháng 7-2018, VKS từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này.

Đáng chú ý, trong kết luận điều tra bổ sung lần này nhắc đến trường hợp bị can Nguyễn Hồng Ánh (SN 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TP.HCM) bị đề nghị truy tố là đồng phạm với ông Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) về tội cố ý làm trái theo Điều 165 BLHS đối với 1.200 lượng vàng thu khống.

Ông Trần Phương Bình.

Ông Trần Phương Bình.

Trong quá trình điều tra trước, bị can Ánh không hợp tác làm việc, khai báo không thành khẩn nên bị đề nghị xử nghiêm trong quá trình truy tố, xét xử. Nay trong kết luận điều tra bổ sung, CQĐT cho rằng bị can này đã thừa nhận hành vi ký chứng từ nộp khống 1.200 lượng vàng tại DongABank. Đồng thời, ngày 30-8-2018, vợ của bị can Ánh cũng đã nộp 500 triệu đồng vào tài khoản của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu mở tại kho bạc nhà nước tại TP Hà Nội khắc phục hậu quả cho bị can Ánh.

CQĐT xác định trong việc tất toán khống khoản vay trên đã khiến DongABank thiệt hại hơn 53 tỉ đồng và ông Ánh phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.

Theo hồ sơ, do có mối quan hệ thân quen từ trước nên ông Ánh và ông Bình thống nhất vay vàng để được hưởng lãi suất thấp hơn vay tiền. Tháng 1-2008, ông Ánh đề nghị vay 2.000 lượng vàng để góp vốn hợp tác kinh doanh. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là căn nhà và quyền sử dụng 339 m2 ở quận Phú Nhuận, quyền sử dụng 326 m2 đất ở phường Thảo Điền, quận 2 cùng 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Gia Định.

Và ông Bình đã phê duyệt đồng ý cho ông Ánh khoản vay trên trong thời hạn cho vay là 12 tháng. Ngày 14-1-2008, ông Ánh ký nhận nợ số vàng này.

Ngày 21-1-2009, ông Ánh trả nợ gốc là 2.000 lượng cho DongABank. Nhưng thực chất hai bên chỉ làm thủ tục tất toán trên giấy tờ, đảo nợ thành khoản vay mới 2.000 lượng vàng tại DongABank vào ngày 24-1-2009.

Đến ngày 26-1-2010, ông Ánh chỉ trả được 100 lượng vàng nên trong cùng ngày, DongABank tiếp tục làm thủ tục tất toán trên giấy, đảo nợ cho ông Ánh thành khoản vay mới là 1.900 lượng vàng từ ngày 28-1-2010.

Ông Bình và ông Ánh đã bàn bạc, thống nhất để ông Ánh nộp 32 tỉ đồng, là tiền tiết kiệm của ông Ánh tại DongABank. Còn ông Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo tất toán khoản 1.900 lượng vàng của ông Ánh (tương đương 53 tỉ đồng).

Ngày 29-2-2012, cấp dưới của ông Bình đã làm phiếu thu khống 1.900 lượng vàng của ông Ánh để trả nợ gốc cho khoản vay ngày 28-1-2010. Cùng ngày, Hội sở DongABank lập phiếu thu tiếp nhận điều chuyển khống 1.900 lượng vàng về hội sở, chịu âm quỹ số vàng này.

Theo quy định, trường hợp khách hàng vay vàng nhưng trả bằng tiền thì bắt buộc phải dùng số tiền đó mua vàng của ngân hàng, rồi dùng số vàng trả lại cho ngân hàng. Tuy nhiên, CQĐT xác định được tại thời điểm ông Ánh tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng ngày 29-12-2012 không phát sinh chứng từ mua vàng của ông Ánh đối với DongABank. Như vậy chứng từ trả nợ bằng vàng của ông Ánh không đúng quy định với hợp đồng.

Theo hồ sơ, ông Trần Phương Bình (nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên phó tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố hai tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Riêng bị can Phan Văn Anh Vũ (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 - viết tắt Công ty Bắc Nam 79) bị đề nghị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ông Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.608 tỉ đồng, bao gồm 1.160 tỉ đồng trong việc ông Bình mua hơn 74.000 cổ phần DongABank; 437 tỉ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép… Chính vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Bình dẫn đến DongABank tại thời điểm 31-12-2015 lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng… Vụ án đến nay đã có 26 bị can bị khởi tố đề nghị truy tố.

 

Theo Hoàng Yến
Pháp luật TPHCM