Fica
  1. Tài chính ngân hàng

"Ông lớn" ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch nCoV

Từ ngày mai 11/2, Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho vay từ 1-1,5% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch do virus corona (nCoV) gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank (phụ trách mảng sản phẩm bán buôn của ngân hàng) cho biết: Ngay sau khi phát sinh dịch bệnh, ngân hàng đã phân tích, xem xét kỹ lưỡng các đối tượng khách hàng chịu ảnh hưởng, qua đó đưa ra biện pháp hỗ trợ.

Theo đó, Vietcombank thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn cũng như giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu. Cụ thể, giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn.

Các khoản cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng. Thời gian triển khai từ ngày 11/2 đến hết ngày 30/4.

Ông lớn ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch nCoV - 1

Lãi suất cho vay VND được ngân hàng giảm tới 1,5% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch do virus corona gây ra (ảnh minh họa)

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, đối tượng được hưởng mức hỗ trợ lãi suất của ngân hàng là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực: vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc (thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày…); những ngành chịu tác động khác theo đánh giá cập nhật và thông báo của ngân hàng.

Ông Tùng cho biết, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng nói trên hiện khoảng 30.000 tỷ đồng, tức ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300-450 tỷ đồng. “Tuy nhiên ngân hàng không tính toán phần thiệt hại ở đây bao nhiêu mà quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn” - ông Tùng khẳng định.

Ngoài ra, Vietcombank hỗ trợ 2 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi cho 7 cơ sở quân đội thuộc Quân khu I và Quân khu II được giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly người dân trở về từ vùng dịch nCoV.

Trước đó, VPBank cũng thông báo giảm tới 1,5% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch cúm corona.

Trong danh mục khách hàng của VPBank, những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn dịp này gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng - ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ); các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản, các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc…

Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV, sáng 6/2, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã chỉ đạo toàn hệ thống cần đảm bảo hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa, không giao dịch, mà cần đảm bảo các giao dịch cho người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại có thể thực hiện nhiều giải pháp như: cơ cấu lại nợ, dư nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới để khách hàng bị thiệt hại có điều kiện nuôi trồng, kinh doanh mới.

Riêng về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng nên giảm lãi suất cho những đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

"Đây cũng là cơ hội để ngân hàng thương mại khẳng định thương hiệu và tiềm lực tài chính của mình cũng như sự đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng - là lúc chúng ta thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với xã hội, người dân", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

An Hạ