Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Nới room tín dụng vẫn khó vay

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đã được Ngân hàng Nhà nước nới thêm 1,5 - 2%, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Dư địa cho vay không nhiều

Tổng giám đốc một ngân hàng quy mô vừa cho hay, room tín dụng được nới thêm vừa rồi không nhiều, nên ngân hàng hạn chế cung ứng vốn cho khách hàng mới, mà chủ yếu giải ngân cho những hợp đồng cũ.

Theo vị tổng giám đốc trên, với các ngân hàng quy mô vừa, nguồn thu vẫn tập trung chính vào tín dụng. Thu ngoài lãi được đẩy mạnh, nhưng không bằng nhà băng lớn. Do đó, ngân hàng này đang “ngóng” room tín dụng mới đầu năm tài chính 2023.

“Mùa kinh doanh cuối năm là thời điểm sôi động để ngân hàng kinh doanh vốn hàng năm, nhất là khi cận Tết, song năm nay, nhân viên tín dụng lại có nhiều thời gian rảnh. Bởi lẽ, nhu cầu vốn của khách hàng vẫn cao, nhưng ngân hàng hết hạn mức để cho vay”, lãnh đạo một nhà băng nói và cho hay, nếu xét theo con số tăng trưởng tín dụng tuyệt đối ở các ngân hàng lớn, thì việc được nới thêm room tín dụng 1% trên tổng dư nợ có thể “thoải mái” để cho vay. Nhưng với ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, việc được nới thêm room tín dụng 1 - 1,5% trên tổng dư nợ là không nhiều.

Hoạt động cho vay được giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu (Ảnh: ĐTCK).

Trong nhóm ngân hàng lớn, Vietcombank cho biết, room tín dụng của Ngân hàng còn khoảng 20.000 tỷ đồng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho khách hàng đến hết năm 2022, song tập trung cho vay các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu…

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, 11 tháng năm 2022, Ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng hơn 17%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của ngành là 11,5% và cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ các năm trước. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng này, Vietcombank đã góp phần ổn định dòng vốn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sau 2 năm bị tác động bởi dịch Covid-19.

Ở các ngân hàng có quy mô thuộc tốp dưới, con số tuyệt đối tăng trưởng tín dụng không lớn, nên việc được nới thêm 1 - 1,5% room tín dụng vẫn không có nhiều dư địa để đẩy mạnh vốn ra thị trường ở mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng kể từ đầu quý IV/2022 đến nay, không chỉ vì thiếu tài sản bảo đảm, mà ngân hàng hết hạn mức để đẩy mạnh cho vay như 2 quý đầu năm.

Mặt khác, lãi suất cho vay dần tăng theo chi phí huy động vốn khi mặt bằng lãi suất tiền gửi “nóng ran” trong quý cuối năm 2022 cũng là bài toán buộc doanh nghiệp phải cân nhắc. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp đối với khoản tín dụng mới từ 12 - 15%/năm và 11 - 14%/năm đối với khoản vay cũ sau khi điều chỉnh.

Vì thế, dù được nới room tín dụng, song khả năng hấp thụ vốn cũng là thách thức, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong quý cuối năm. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 100% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị, cả đầu ra và ở thị trường trong nước. Vì thế, theo ông Ánh, lãi suất nằm sau các nguyên nhân trên khiến tín dụng khó chảy mạnh.

Kiểm soát rủi ro nợ xấu

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp đối với khoản tín dụng mới từ 12 - 15%/năm và 11 - 14%/năm đối với khoản vay cũ sau khi điều chỉnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 11/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đầu năm 2022 vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm, sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng cho tháng 12. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cấp vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, vì mức tăng thêm tương đương 240.000 tỷ đồng, nhưng nguồn tín dụng chỉ được “nắn” vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh. Với tình hình hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Trong khi đó, ngân hàng phải kiểm soát chặt đường đi của dòng vốn trong bối cảnh room tín dụng hạn chế và rủi ro nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang có khó khăn nhất định, việc cho vay phải theo chủ trương “nắn” dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, không ít nhà băng đã từ chối khách hàng có nhu cầu vốn mua nhà ở. Thậm chí, đối với những khoản vay mua nhà cũ, một số nhà băng phải tạm dừng, do không có nhiều dư địa và nguồn vốn dồi dào để cho vay lĩnh vực bất động sản. Điều này khiến một bộ phận khách hàng cá nhân vay mua nhà “khóc dở, mếu dở”, dù chấp nhận trả lãi suất cao.

Chị Bùi Anh, nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp tại Quận 1, TP.HCM chia sẻ, chị có khoản vay tại một ngân hàng thương mại cổ phần để mua 2 bất động sản của Novaland hồi đầu năm 2022, giải ngân theo từng đợt. Mới đây, nhân viên tín dụng thông báo, do hết room tín dụng nên ngân hàng tạm dừng giải ngân, chờ nhận được hạn mức tín dụng năm 2023. Chủ trương của nhà băng này là dành dư địa tín dụng ít ỏi còn lại phục vụ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dịp Tết. Trong khi đó, chị An đã phải trả lãi cho khoản vay cũ cao hơn 3 - 4,5%/năm so với thời điểm ký hợp đồng, lý do ngân hàng đưa ra là chi phí tăng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận xét, Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng 1,5 - 2% vừa qua là phù hợp với thực tế, nhưng chỉ tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất - kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên. Còn đối với lĩnh vực rủi ro, vốn tín dụng sẽ rất khó tiếp cận, vì cơ quan quản lý sẽ xem xét kỹ trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp thêm room tín dụng. Ngoài sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, bản thân các ngân hàng thương mại và Hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay nhằm hạn chế nợ xấu.

Từ quý II/2022, nợ xấu của các ngân hàng có dấu hiệu gia tăng, nhất là sau khi các khoản nợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải tạm dừng tái cơ cấu vào cuối tháng 6/2022. Dù nỗ lực kiểm soát, thu hồi nợ xấu, song trước khó khăn của thị trường, nhất là lĩnh vực bất động sản ảm đạm, ngân hàng khó phát mại tài sản bảo đảm..., đòi hỏi các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Thực tế, khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ hết hiệu lực kể từ cuối tháng 6/2022, những ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu thì lợi nhuận sẽ không chịu áp lực. Tuy nhiên, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng tăng. Nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khách hàng cá nhân thu nhập thấp gặp khó khăn trong điều kiện lãi suất, lạm phát có xu hướng tăng, khiến nợ xấu ngành ngân hàng tăng theo. Dự báo, tỷ lệ nợ xấu thời gian tới tiếp tục có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Theo Thuỳ Vinh

Đầu tư Chứng khoán

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.