Các ngân hàng đang có nhu cầu lớn về nguồn vốn trung và dài hạn |
Theo quan sát của BVSC, tại VietABank, từ tháng 4, lãi suất chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng cá nhân cao nhất là 9,1%/năm với nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng.
Đầu tháng 4, SHB có chương trình phát hành 10.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi cho khách cá nhân, doanh nghiệp, lãi suất 8,9%/năm. Cá nhân mua chứng chỉ mệnh giá dưới 2 tỷ đồng, lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng lần lượt là 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm. Với chứng chỉ mệnh giá 2 tỷ đồng trở lên, lãi suất áp dụng lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm và 8,9%/năm.
Tại Sacombank, khách hàng cá nhân, tổ chức mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) được nhận mức lãi suất 8,6%/năm.
BIDV từ tháng 3 cũng có chương trình chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn từ đầu tháng 3, lãi suất 7,6%/năm cho hình thức lãi suất cố định và 7,5%/năm cho lãi suất thả nổi.
LienVietPostBank có chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kì hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với lãi suất 8,1%/năm (cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn từ 0,7 đến 1%/năm).
Theo BVSC, nguyên nhân các ngân hàng phát hành chứng chỉ với lãi suất trên 9% là do nhu cầu huy động thêm vốn trung và dài hạn. Với quy định mới về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về 40% sẽ chính thức có hiệu lực trong năm nay và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% trong thời gian tới. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất huy động trung, dài hạn cũng khó có khả năng giảm dù tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp.
Mai Chi