Theo khảo sát của Dân trí, tính đến ngày 13/10, có 12 nhà băng đang áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 5%/năm cho hình thức gửi tại quầy và 18 nhà băng áp dụng cho hình thức gửi tiền online.
Như vậy, sau động thái nới trần huy động dưới 6 tháng lên 5% của Ngân hàng Nhà nước hôm 23/9, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tăng trung bình khoảng 0,9% trong tháng qua, có nơi tăng tới 1,9%.
Còn với kỳ hạn gửi tiền 6 tháng, có 4 nhà băng trả lãi từ 7%/năm trở lên với hình thức gửi tại quầy và 8 nhà băng trả mức lãi này nếu gửi tiền online.
Việc toàn bộ hệ thống ngân hàng nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động với mức tăng cao nhất 1,9% đã đưa mặt bằng về gần mức trước dịch. Cuộc đua lãi suất lần này cũng không chỉ ở các kỳ hạn gửi tiền và mà còn cả với gửi tiền ngắn hạn.
Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng (đơn vị: %/năm) |
Một tháng trở lại đây, khoảng 30 nhà băng đồng loạt tăng lãi suất, trong đó khoảng 20 đơn vị ghi nhận lãi suất tăng tại tất cả kỳ hạn. Đây cũng là lần huy động lãi suất tăng trên diện rộng với mức tăng mạnh nhất, sau hơn 2 năm trải qua dịch Covid-19.
Thậm chí, để cạnh tranh hút tiền, một số đơn vị tung ra chương trình chứng chỉ tiền gửi, có nơi gửi 10 triệu đồng nhận lãi suất 8,4%/năm, cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, kênh đầu tư này chỉ phù hợp khi khách hàng có tiền nhàn rỗi trong thời gian dài. Khi gửi tiết kiệm có kỳ hạn, người gửi tiền vẫn có thể được rút trước hạn, miễn chấp nhận lãi suất không kỳ hạn. Còn với chứng chỉ tiền gửi, điều này gần như không thể (trừ một số loại có kỳ hạn ngắn). Khách hàng chỉ có thể chuyển nhượng và cầm cố để vay vốn với lãi suất phải trả cao hơn lãi suất nhận được từ chứng chỉ tiền gửi.
Nhiều nhà băng huy động lãi suất ngắn hạn kịch trần 5%/năm (Ảnh: Mạnh Quân). |
Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, áp lực tăng lãi suất huy động vẫn còn tương đối lớn khi chênh lệch huy động - tín dụng chưa được cải thiện nhiều.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này vừa có phiên giao dịch tích cực nhất kể từ đầu tháng 10 trên thị trường mở. Chỉ trong phiên 10/10, cơ quan quản lý tiền tệ bơm ròng gần 21.700 tỷ đồng ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại.
Thanh khoản căng thẳng khiến lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng tăng mạnh. Riêng ngày 7/10, lãi suất ngân hàng vay mượn qua đêm vọt lên 8,4%/năm. Các kỳ hạn khác cũng đã giao dịch quanh 7,5%/năm trước khi điều chỉnh giảm như hiện tại.
Thảo Thu