Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Ngân hàng Trung ương Châu Âu tung ra gói hỗ trợ trị giá 820 tỷ USD trước đại dịch Covid-19

 Vũ Huy Hoàng
Vũ Huy Hoàng

Vào tối thứ 4, Ngân hàng Trung ương Châu Âu - ECB đã công bố chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro (820 tỷ USD) trong nỗ lực giúp giảm thiểu những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra trước bối cảnh số người chết ở Châu Âu vẫn đang tiếp tục gia tăng.

 

GS - Christine Lagarde - 106451443

Bà Christine Lagarde ( bên phải) - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và Phó chủ tịch Luis de Guindos (bên trái) nói chuyện với giới truyền thông sau cuộc họp của hội đồng quản trị ECB tại trụ sở ECB vào tháng 3 12, 2020 tại Frankfurt, Đức. Ảnh: Thomas Lohnes

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp đột xuất vào tối thứ 4 vừa qua khi những phản ứng mới nhất của nền kinh tế toàn cầu cho thấy dấu hiệu của sự suy thoái trong năm nay.

Và vào sáng thứ 5, chi phí vay tại Ý đã giảm mạnh khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với chương trình mua trái phiếu mới khổng lồ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ mua chứng khoán công và tư nhân để đối phó với những rủi ro nghiêm trọng mà đại dịch Covid-19 gây ra. Đây được gọi là Chương trình Mua khẩn cấp Đại dịch (PEPP) và nó sẽ kéo dài đến cuối năm nay.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã bị chỉ trích kể từ khi Lagarde – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuần trước nói trong một cuộc họp báo rằng vai trò của ngân hàng không phải là để ngăn chặn sự lây lan trong thị trường nợ có chủ quyền. Phát biểu của Lagarde đã khiến chi phí vay của Ý tăng lên cao. Trước đây, người tiền nhiệm của bà, Mario Draghi, đã trấn an thị trường tài chính vào năm 2012 - đỉnh cao của cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền - rằng ECB sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu đồng Euro.

Nợ có chủ quyền là nợ do chính phủ trung ương phát hành, thường là dưới dạng chứng khoán, để tài trợ cho các sáng kiến phát triển khác nhau trong một quốc gia. Rủi ro lớn nhất của khoản nợ có chủ quyền là rủi ro vỡ nợ của nước phát hành chứng khoán.

Sau khi ECB công bố gói cứu trợ Covid-19 mới nhất, các nhà đầu tư đã phản ứng rất tích cực. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Ý giảm xuống chỉ còn 1,542% vào sáng thứ 5, sau khi giao dịch ở mức 2,5% vào thứ 4. Việc giảm lợi suất thấp hơn có nghĩa là các nhà đầu tư đang mua trái phiếu của Ý, điều này đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với Ý.

Chủ tịch ECB của Christine Lagarde đã cho biết sẽ quyết tâm hỗ trợ hết mức trong khả năng cho phép của ECB để cứu đồng euro.

Dịch Covid-19 bắt đầu ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 và cho đến nay nó đã bùng phát với tốc độ chóng mặt ở Châu Âu khiến cho các nền kinh tế Châu Âu bị đình trệ, tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ, nền kinh tế đang bị khóa hoàn toàn. Dữ liệu cũng cho thấy Covid-19 đã lây nhiễm và giết chết nhiều người ở Châu Âu hơn ở Trung Quốc.

Chương trình mua tài sản t mới này cũng sẽ bao gồm chứng khoán Hy Lạp. Trái phiếu chính phủ Hy Lạp không có trong các chương trình mua tài sản trước đây của ngân hàng Trung ương Châu Âu vì họ không có đủ uy tín đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng nợ có chủ quyền.

ECB đã gây ngạc nhiên cho thị trường một tuần trước khi không cắt giảm lãi suất như một cách để thúc đẩy hoạt động kinh tế trong đợt bùng phát của đại dịch Covid-19. Thay vào đó, ECB đã tiết lộ những chính sách hỗ trợ mới, đó là cho vay ngân hàng và mở rộng chương trình mua tài sản của mình thêm 120 tỷ euro (135,28 tỷ USD).

ECB cam kết hỗ trợ mọi công dân khu vực đồng euro vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và đảm bảo để các thành phần (các hộ gia đình, các công ty, ngân hàng hay các chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính để giảm ảnh hưởng do bệnh dịch gây ra.

Các chính phủ khu vực đồng euro khác nhau cũng đã đưa ra các biện pháp kích thích tài khóa để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ Covid-19. Chẳng hạn như Pháp đã cam kết 45 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thùy Dung

Theo CNBC