Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Ngân hàng so đo trước yêu cầu hạ lãi suất

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Dù đồng ý giảm lãi suất, dường như các ngân hàng đang toan tính, so kè "đòi" nới room tín dụng, chỉ giảm cho từng khoản vay cụ thể, tùy từng khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang kiệt sức vì dịch. Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cũng đã kêu gọi. Dù đồng ý giảm lãi suất, dường như các ngân hàng đang toan tính, so kè "đòi" nới room tín dụng, chỉ giảm cho từng khoản vay cụ thể, tùy từng khách hàng.

Ngân hàng so đo trước yêu cầu hạ lãi suất - 1

Các NHTM "kén chọn" đối tượng được giảm lãi suất.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình, mỗi tháng có 11.700 DN rút khỏi thị trường.

Trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với NHTM về việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cộng đồng DN, tại cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng vừa diễn ra, 16 NHTM đưa ra thông tin về việc giảm lãi suất thời gian qua. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất của NHTM từ trước tới nay chỉ hướng tới đối tượng DN, người dân vốn là khách hàng của ngân hàng

Vietinbank ước tính lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, hầu hết các ngân hàng trong danh sách theo dõi của công ty này đều lãi lớn trong quý II. 6 tháng đầu năm, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của Maritime Bank đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank, TPBank, VPBank, VIB, BIDV, MBB… cũng được SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận 30 - 50%.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank, cho biết, từ khi dịch bùng phát đã liên tục giảm lãi suất; trong đó, lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay dưới 4,5%/năm; lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay khoảng 6-7%/năm.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB, từ đầu năm đến nay ngân hàng cũng liên tục giải ngân vốn cho khách hàng cần lãi suất thấp.

Trước mắt, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp DN gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (như DN lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là DN sản xuất và khách hàng cá nhân.

Đồng thuận với việc sẽ giảm lãi suất nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng DN nhưng NHTM chỉ giảm lãi suất cho tùy từng khoản vay, tùy khách hàng. NHTM cũng "kêu khó" khi phải xin ý kiến cổ đông và giảm lợi nhuận kế hoạch.

Đại diện LienvietPostBank cho biết, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191 nghìn tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, dư nợ của Sacombank khoảng 350 nghìn tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong 5-6 tháng thì lợi nhuận giảm 40% so với kế hoạch. Sacombank sẽ giảm lãi suất cho đối tượng thực sự khó khăn.

Ngoài ra, nhiều NHTM cũng kiến nghị được nới room tín dụng để hỗ trợ DN. Đại diện Vietcombank cho biết, đầu năm được giao chỉ tiêu tín dụng 10% nhưng đến nay đã đạt 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm.

Đánh giá về động thái này của NHTM, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dư luận bức xúc khi cả nền kinh tế lao đao vì dịch bệnh nhưng nhiều NHTM vẫn hướng tới lợi nhuận cao.

NHNN cần phải yêu cầu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong tình thế này, trước thực tế lãi suất huy động khó giảm, các NHTM có thể sẽ chỉ giảm lãi suất theo kiểu đối phó.

"Nếu lãi suất huy động giảm sẽ khiến người dân ồ ạt rút tiền gửi khỏi ngân hàng để đầu tư vào lĩnh vực khác", ông Hiếu cảnh báo.

Rủi ro nếu nới room tín dụng

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hiện nay, nhiều DN Việt Nam phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Việc quy định lãi suất là biện pháp hành chính, không phải biện pháp thị trường.

Trong điều kiện Việt Nam tiếp tục kiểm soát lãi suất, tỷ giá, việc điều hành của cơ quan quản lý với lãi suất là đương nhiên. Đặc biệt khi dịch bệnh còn chưa được kiểm soát, NHNN yêu cầu NHTM giảm lãi suất là hợp lý nhưng xét từ khía cạnh kinh tế thị trường, chúng ta cần nhìn nhận: Lãi suất do thị trường quyết định. Lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Lãi suất huy động đầu vào hạ thấp sẽ khiến dòng tiền của người dân "chảy" sang kênh khác.

Đối với đề nghị nới room tín dụng của ngân hàng, ông Thịnh cho rằng, cần cẩn trọng bởi càng mở rộng tín dụng khả năng lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô có thể sẽ xảy ra.

Về giải pháp, chính sách tháo gỡ khó cho DN ảnh hưởng vì dịch bệnh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc hỗ trợ chính phải là tạo ra gói tài khóa, như các quốc gia khác đang làm.

"Ngân hàng cũng là DN, họ giảm lãi suất mạnh quá thì phải giảm lãi suất đầu vào, người dân sẽ không gửi tiền nữa, gây rủi ro thanh khoản, không có tiền cho vay. Nếu như giảm mạnh đầu ra quá, ngân hàng lỗ, không đạt chỉ tiêu lợi nhuận do đại hội đồng cổ đông giao phó", ông Lực phân tích.

Theo Ngọc Linh - Việt Linh

Tiền Phong