Ngân hàng Nhà nước trong thông báo mới nhất cho biết đang tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Ngay từ đầu năm, nhà điều hành đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng (khoảng 15%) đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN.
Tới ngày 28/8, cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã chủ động có văn bản thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm ngoái.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các ngân hàng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các ngân hàng không cần phải đề nghị", nhà điều hành thông báo.
Như vậy, đây là đợt nới room tín dụng thứ 2 trong năm nay của nhà điều hành. Ngân hàng Nhà nước cho biết động thái này được thực hiện trong điều kiện lạm phát đang kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, đồng thời đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Song song đó, nhà điều hành cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại quyết liệt thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.
Đồng thời, tăng trưởng tín dụng nhưng đảm bảo an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, cùng với đó kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các nhà băng tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân, cũng như duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.