Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất điều hành mới gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn từ ngày 23/9, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đưa ra biểu lãi suất huy động ngắn hạn mới theo thay đổi. Vẫn như mọi lần, các ngân hàng quy mô nhỏ thường nhanh chân nhất trong "cuộc đua" lãi suất.
Ngân hàng "đua" nâng lãi suất
KienlongBank ngày 23/9 điều chỉnh tăng lãi suất huy động với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Với kỳ hạn ngắn 1-5 tháng, lãi suất được điều chỉnh tăng kịch trần lên 5%/năm, tương ứng thêm 1% so với trước; kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2-0,5%. Lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2%.
Nhưng KienlongBank không phải đơn vị duy nhất nhanh chân điều chỉnh biểu lãi suất huy động ngắn sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, BacABank cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng lên kịch trần là 0,5%/năm. Các kỳ hạn từ 1-6 tháng tăng thêm 0,5-0,8% lên 4,5-4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,3% lên 6,8%/năm. Kỳ hạn 12-36 tháng tăng thêm 0,2% lên lần lượt là 7,1%/năm và 7,2%/năm.
các ngân hàng quy mô nhỏ thường nhanh chân nhất trong "cuộc đua" lãi suất (Ảnh: Tiến Tuấn) |
VietCapitalBank tăng đồng loạt lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng lên mức trần là 0,5%/năm, kỳ hạn 1-5 tháng cũng tăng từ 3,9% lên mức tối đa là 5%/năm. Các kỳ hạn trên 6 tháng cũng tăng thêm từ 0,5-0,6%/năm, lên mức 6,8%/năm, còn 12 tháng lên mức 7,3%/năm.
Ở nhóm quy mô lớn hơn có ACB thông báo tăng lãi suất gói Tài Lộc kỳ hạn 1-3 tháng từ 4%/năm lên mức tối đa cho phép là 5%/năm. Kỳ hạn 6 tháng nếu gửi từ 100 triệu đồng là 6,1%/năm, còn gửi trên 500 triệu đồng là 6,2-6,4%/năm (tùy khách hàng ưu tiên loại nào), tăng 0,3-0,5%/năm so với trước đó.
Theo khảo sát của Dân trí, những ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động ngay trong ngày 23/9 còn có SHB, SCB, Eximbank... Danh sách các ngân hàng được cho là có động thái tương tự có thể còn nối dài.
Trong khi đó, tại các ngân hàng có vốn Nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, lãi suất huy động cao nhất vẫn ở dưới 6%/năm. Ở các kỳ hạn 1-5 tháng, những ngân hàng này cũng chỉ niêm yết 3,1-3,4%/năm, thấp hơn mức tối đa.
Lãi suất còn tăng?
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) ước tính lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã tăng 0,9-1,1 điểm % từ đầu năm đến nay.
Còn theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect, tính đến giữa tháng 9, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng lần lượt 0,44 điểm % và 0,51 điểm % so với cuối năm 2021. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng quốc doanh tăng chậm hơn, lần lượt ở mức 0,03 điểm % và 0,07 điểm %.
Động thái nâng trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp với tình hình hiện nay, khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.
tốc độ tăng trưởng huy động vốn chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng (Biểu đồ: Thảo Thu). |
Việc nâng loạt lãi suất điều hành sau gần 2 năm được đánh giá có thể kích thích người dân gửi tiền nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng. Các chuyên gia đến từ VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm nay.
Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho khoảng 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) với mức tăng nằm trong phạm vi 0,7-4%. Điều này dẫn đến nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại tăng theo.
Ngoài ra, tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm. Hay việc đồng USD mạnh hơn, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu vốn của các ngân hàng mạnh lên trong thời gian tới.
VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng 1,5-2 điểm % trong cả năm nay. Còn VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi tới cuối năm có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm % từ mức hiện tại. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) sẽ tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm nay. Tuy vậy, mức này vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch là 7%/năm.