Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Ngân hàng dồn dập tăng vốn điều lệ và bảng xếp hạng mới

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Việc tăng vốn điều lệ của những ngân hàng gần đây chủ yếu thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, tháng 9 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng. Với vốn điều lệ mới, SeABank nằm trong nhóm 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong kế hoạch phát triển của SeABank đã được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 nhằm hướng tới mục tiêu đưa ngân hàng trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất.

Ngân hàng dồn dập tăng vốn điều lệ và bảng xếp hạng mới - 1

Việc tăng vốn điều lệ của những ngân hàng gần đây chủ yếu thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (ảnh minh họa). 

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo sửa đổi nội dung về vốn điều lệ của 2 ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, vốn điều lệ của VIB hiện nay là 9.245 tỷ đồng, thay vì mức 7.834 tỷ đồng như trước đó. Ngân hàng đã phát hành hơn 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 18%.

Tương tự, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng. Trước đó, cuối quý 2/2019, vốn điều lệ của OCB là 6.599 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ của nhà băng này được thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu.

Và với kế hoạch phát hành cổ phiếu của một số ngân hàng trong thời gian tới, dự kiến bảng xếp hạng vốn điều lệ mới trong năm 2020 sẽ có nhiều thay đổi so với hiện tại.

Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2019, tổng vốn điều lệ của 35 ngân hàng thương mại Việt đạt hơn 419.000 tỷ đồng. Ở top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất,

hiện vốn điều lệ của VietinBank là 37.234 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống. Theo sau lần lượt là Vietcombank, Techcombank, BIDV, Agribank với vốn điều lệ cuối tháng 6/2019 tương ứng 37.089 tỷ đồng, 34.966 tỷ đồng, 34.187 tỷ đồng và 30.496 tỷ.

Trong 5 năm gần đây, Techcombank và Vietcombank là 2 ngân hàng được tăng vốn nhiều nhất. So với đầu năm 2015, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank tăng hơn 10.400 tỷ (tương đương tăng hơn 39%); còn Techcombank tăng tới gần 4 lần trong 5 năm qua.

Sự tăng vọt của Techcombank đến từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:2 trong năm 2018 sau khi ngân hàng này niêm yết trên sàn HOSE. Đây lần đầu tiên của một ngân hàng tư nhân có vị trí trong top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất.

Còn tại Vietcombank, năm 2016, ngân hàng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%( tương đương hơn 9.300 tỷ đồng) và gần đây, đầu năm 2019, vốn điều lệ của ngân hàng tăng hơn 1.000 tỷ nhờ phát hành cổ phiếu cho GIC và Mizuho Bank.

Trong khi đó, VietinBank, BIDV sau đợt tăng mạnh vào năm 2013 và 2014 nhờ phát hành cho cổ đông chiến lược thì đến nay gần như đứng yên còn Agribank thì chỉ tăng nhẹ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Hiện trong hệ thống còn 8 ngân hàng có vốn điều lệ chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn so với mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng), trong đó có 2 ngân hàng được NHNN mua lại "0 đồng" là CBBank (3.000 tỷ) và Gpbank (3.018 tỷ). Ngoài ra, một số ngân hàng khác có vốn điều lệ xấp xỉ mức 3.000 tỷ là PGBank, Saigonbank, BaoVietBank, VietCapitalBank, Kienlongbank...

Năm 2020 là thời hạn mà 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm phải đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. Kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ buộc phải thực hiện nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu này.

Và với nhiều ngân hàng, đây là năm cuối cùng kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu được đề ra từ cách đây 5 năm. Dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng cuối tháng 4/2019 đã lên tới 11,21 triệu tỷ đồng. Con số này so với cách đây 10 năm ước tính đã tăng hơn 4 lần.

Còn theo thống kê chưa đẩy đủ tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của 29 ngân hàng thương mại (chưa kể 3 ngân hàng "0 đồng" và DongABank, PVcombank, BaoVietBank) đạt hơn 9,6 triệu tỷ đồng.

 An Hạ (tổng hợp)