Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Ngân hàng đã cho vay những gì mà cạn "room" tín dụng?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Từ chối đề cập tới những phân khúc cho vay trong 6 tháng đầu năm khiến ngân hàng cạn "room" tín dụng, một đại diện cho biết dòng tiền vẫn "chảy" vào sản xuất, kinh doanh, vào lĩnh vực ưu tiên.

Kỳ vọng sẽ nới hạn mức tín dụng đợt 3

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, duy nhất Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14%.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, TPBank được nâng room tín dụng lên 17,4%; Techcombank từ 12% lên 17%; MB được tăng từ 10,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; Sacombank được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%; Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%...

Các ngân hàng được nới room tín dụng lần này đa phần là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số ngân hàng đã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng này cũng nằm trong nhóm ngân hàng có chính sách thiết thực trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngân hàng đã cho vay những gì mà cạn room tín dụng? - 1

Trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần 2, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 15-17%, thay vì mức cao nhất là 10-12% ban đầu (Ảnh minh họa).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".

"Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng; ưu tiên đối với tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân" - nhà điều hành cho hay.

Từ chối đề cập tới những phân khúc cho vay trong 6 tháng đầu năm khiến ngân hàng cạn "room" tín dụng, một đại diện cho biết dòng tiền của ngân hàng vẫn "chảy" vào sản xuất, vào lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, theo một số công văn cấp tín dụng mà phóng viên Dân trí có được, Ngân hàng Nhà nước đều yêu cầu các ngân hàng rà soát các hoạt động cấp tín dụng, lĩnh vực để phân bổ cho phù hợp, đảm bảo không tập trung tín dụng vào một số khách hàng, lĩnh vực, ngành nghề nhằm ngăn ngừa tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

Với hạn mức vừa được cấp mới, các ngân hàng cần tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán...; giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cũng đề cập tới việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng được nới thêm từ 2 - 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.

SSI kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay. Bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

Bất chấp dịch bệnh, kết quả kinh doanh quý II và nửa năm của các ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng mạnh; thậm chí có ngân hàng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong đó, Vietcombank đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 58% kế hoạch cả năm; VietinBank lãi trước thuế 13.000 tỷ đồng, tăng 75%; MBBank ước tính lợi nhuận trước thuế nửa năm nay khoảng 7.986 tỷ đồng, tăng 56%.

TPBank có lợi nhuận bán niên đạt khoảng 3.007 tỷ đồng, tăng 48%; MSB ước tính lãi 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 85% kế hoạch năm; SeABank báo lãi 1.557 tỷ đồng, tăng 2,3 lần; ABBank lãi 1.164 tỷ đồng, tăng 85%...

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 136 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 130 tỷ đồng và như vậy mới chỉ qua 6 tháng nhưng ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.

Ngoài lãi từ tín dụng, lợi nhuận ngân hàng nửa năm qua còn đến từ mảng dịch vụ và thu nhập từ phí. Các chỉ số này đều tăng hai chữ số tại hầu hết ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, cần phải nhìn lợi nhuận của ngân hàng một cách toàn diện và đầy đủ trên mọi khía cạnh.

Nói lợi nhuận ngân hàng tăng do "ăn" chênh lệch lãi suất cao là hoàn toàn không chính xác. Thực tế cho thấy, chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra có doãng ra trong năm 2021 nhưng độ doãng ra đó hợp lý và phù hợp với thực tế (chênh lệch này chưa tính toán đến chi phí hoạt động và chi phí rủi ro) chứ không phải do ngân hàng lợi dụng việc giảm lãi suất đầu vào mà tăng hoặc giữ nguyên lãi suất cho vay.

Theo ông Hùng, các ngân hàng cũng đã tập trung đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động. Khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các tổ chức tín dụng đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận (điều này phù hợp với xu thế quốc tế).

"Bản thân các tổ chức tín dụng đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này" - ông Hùng nói và cho biết thêm, sau hơn một năm tổ chức thực hiện Thông tư số 01 về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã giúp các tổ chức tín dụng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên cũng giảm được chi phí.

Nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm mạnh. Cùng với đó, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận.

 Nguyễn Hiền

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.