Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD và thách thức đối với tân Chủ tịch Vietcombank

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Ông Phạm Quang Dũng, tân Chủ tịch HĐQT Vietcombank, làm việc tại ngân hàng này từ năm 21 tuổi và đã có 27 năm gắn bó với ngân hàng.

Chân dung tân Chủ tịch Vietcombank

Tại phiên họp ngày 30/8, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Công văn số 6172 ngày 27/8, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank đã bầu ông Phạm Quang Dũng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/04/1973, có bằng Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng tại Đại học Birmingham (Anh Quốc). Ông Dũng có kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD và thách thức đối với tân Chủ tịch Vietcombank - 1

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank.

Ông Phạm Quang Dũng bắt đầu công việc tại Vietcombank từ tháng 8/1994, khi 21 tuổi. Như vậy tính đến nay, ông Dũng đã có 27 năm gắn bó tại ngân hàng này. Ở Vietcombank, ông Dũng từng trải qua nhiều vị trí tại các phòng Đầu tư và Bảo lãnh, Quan hệ Quốc tế; Công ty Cho thuê tài chính. Ông cũng kinh qua nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như Phó Chánh Văn phòng; Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông; Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý; Phó Tổng Giám đốc; Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.

Trước khi được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của ngân hàng này từ tháng 11/2014 đến nay.

Cùng ngày 30/8, trên cơ sở chấp thuận của NHNN, HĐQT cũng đã thống nhất giao ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank cho đến khi có nhân sự Tổng giám đốc.

Trước đó, ngày 5/7, tại Hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Nghị quyết của HĐQT Vietcombank về công tác cán bộ, ông Phạm Quang Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank - đã được giao phụ trách Đảng bộ Vietcombank cho đến khi kiện toàn chức danh Bí thư Đảng ủy ngân hàng.

HĐQT Vietcombank cũng đã ban hành Nghị quyết phân công ông Đỗ Việt Hùng - thành viên HĐQT (người đại diện 30% phần vốn Nhà nước tại Vietcombank) - phụ trách hoạt động của HĐQT ngân hàng này thay ông Nghiêm Xuân Thành.

Như vậy, sau gần 2 tháng để trống, vị trí Chủ tịch Vietcombank đã chính thức có người đảm nhiệm. Ngày 3/7, ông Nghiêm Xuân Thành thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT Vietcombank; được điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau 8 năm chèo lái con thuyền Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành đã giúp ngân hàng gặt hái được những kết quả tích cực. Năm 2020, Vietcombank đạt lợi nhuận hơn 23.000 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng và cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Năm nay, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng 11%, đạt khoảng 23.580 tỷ đồng và lợi nhuận 2 tỷ USD trong 4 năm tới.

Mục tiêu chiến lược của ngân hàng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là củng cố vững chắc vị trí số một tại Việt Nam, đứng trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam.

Những thách thức

Vietcombank dưới thời ông Nghiêm Xuân Thành trong suốt 8 năm qua luôn thuộc top đầu, là ngân hàng giữ vị trí quán quân về lợi nhuận lâu nhất và từ 2016 đến nay cũng là ngân hàng duy nhất ghi lợi nhuận tỷ USD trong một năm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này vẫn tiếp tục là quán quân về lợi nhuận, đạt hơn 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng trên 23% so với 6 tháng đầu năm 2020. Với mức lợi nhuận này, ngân hàng đã hoàn thành 53,8% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.

Hai ngân hàng bám sát Vietcombank về lợi nhuận là Techcombank đạt hơn 11.500 tỷ đồng và VietinBank hơn 10.800 tỷ đồng. Năm 2019, lợi nhuận của Vietcombank gần bằng lợi nhuận của hai ngân hàng này cộng lại.

Tuy nhiên, trong quý II vừa qua, lợi nhuận Vietcombank sụt giảm khá mạnh, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước do chi phí dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh.

Nợ xấu của Vietcombank tại thời điểm cuối quý II là hơn 6.864 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 0,62% (đầu năm) lên 0,75%, tuy nhiên so với toàn ngành vẫn là mức thấp. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại cuối quý II của ngân hàng là gần 352%, dù vẫn dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ bao nợ xấu nhưng đã giảm so với mức 370% cuối năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu Vietcombank cũng cao nhất trong các ngân hàng thương mại. Trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7 khi VN-Index lập đỉnh lịch sử trên 1.400 điểm, vốn hóa Vietcombank vượt Vingroup, đứng đầu thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị thị trường đạt hơn 400.000 tỷ đồng và cổ phiếu Vietcombank có lúc lên trên ngưỡng 115.000 đồng/cổ phiếu. Kết phiên giao dịch 31/8, cổ phiếu VCB đóng cửa tại 99.400 đồng/cổ phiếu. 

Với một con thuyền lớn đang băng băng đi về phía các mục tiêu đã đặt ra, chắc hẳn đây cũng là một lợi thế nhưng cũng là áp lực, thách thức ở giai đoạn hiện tại và trong tương lai đối với tân Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng - người kế nhiệm ông Nghiêm Xuân Thành. 

Nguyễn Hiền