Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Mong tín dụng ngân hàng giúp doanh nghiệp còn "thở được"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong bối cảnh hầu hết kênh huy động vốn tắc nghẽn, thị trường bên ngoài khó khăn, doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý thiết kế chính sách tín dụng giúp doanh nghiệp còn có thể "thở được".

Không thiếu vốn nhưng giải ngân không dễ

Theo TS Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, tín dụng đã tăng trưởng trên 12% từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã cung ứng gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong đợt nới room tín dụng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng thêm 1,5-2%.

Như vậy, ngành ngân hàng có khoảng 3 tuần để cung ứng ra nền kinh tế tổng cộng 3,5-4% tín dụng, tương đương 300.000-400.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân là rất lớn nhưng làm sao để kịp giải ngân nguồn tín dụng này là một thách thức. 

"Tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, tiền huy động từ người dân nên không thể hạ chuẩn cho vay. Trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt. Các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí", ông Quang trình bày quan điểm tại hội thảo về tháo gỡ khó khăn vốn cho doanh nghiệp do báo Người Lao Động tổ chức sáng 13/12. 

Ông Quang nhấn mạnh vốn tín dụng hiện nay không thiếu vì mức room 3,5-4% trong 3 tuần cuối năm là rất nhiều. Những năm trước, thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng trong tháng 12 chỉ khoảng hơn 2%. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kết nối hiệu quả hơn, tìm được tiếng nói chung. Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối doanh nghiệp và ngân hàng.

Mong tín dụng ngân hàng giúp doanh nghiệp còn thở được - 1

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo sáng 13/12 (Ảnh: NLĐ).

Ông Nguyễn Minh Trí - Thành viên HĐTV của Agribank - cũng nhấn mạnh hai yếu tố tiên quyết của hoạt động ngân hàng là an toàn và hiệu quả. Bản thân các ngân hàng trong nước cũng đang phải dần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn quốc tế về tỷ lệ an toàn vốn. 

Ông Trí cũng nói thêm tinh thần chung là ngân hàng và doanh nghiệp phải cùng thắng. "Doanh nghiệp kinh doanh tốt, hiệu quả, chúng tôi mới thu hồi được vốn, doanh nghiệp không tạo ra được dòng tiền thì ngân hàng cũng không tồn tại được", ông Trí nói. 

Tiếp cận được tín dụng, doanh nghiệp mới "thở được"

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ rất hiểu các nguyên tắc của ngành ngân hàng nhưng thực tế doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn khi cả 3 kênh chính là tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu đều tắc nghẽn. 

Ông Kỳ cho biết doanh nghiệp của mình muốn tăng vốn, nhà đầu tư muốn tham gia nhưng gửi hồ sơ ra cơ quan quản lý ngành chứng khoán 5 tháng nay vẫn chưa được giải quyết. Doanh nghiệp thắc mắc thì nhận câu trả lời là chờ. Trong khi đó, thị trường trái phiếu đang gặp phải vấn đề khủng hoảng niềm tin.

"Cuối cùng chỉ còn tín dụng, vẫn còn kênh này nếu không doanh nghiệp chết. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý thiết kế chính sách để kênh này thông thoáng tý, doanh nghiệp còn thở được. Chúng tôi thấy mình bây giờ phải đi nhẹ, nói khẽ", ông Kỳ cho hay.

Mong tín dụng ngân hàng giúp doanh nghiệp còn thở được - 2

Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh tín dụng ngân hàng là kênh duy nhất hiện nay giúp doanh nghiệp còn thở được (Ảnh: NLĐ).

Ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) cũng đánh giá với thách thức từ các yếu tố vĩ mô hiện nay, khó khăn là câu chuyện chung của cả nền kinh tế chứ không riêng doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp cũng xác định phải đa dạng hóa nguồn huy động vốn nhưng thực tế việc kêu gọi nhà đầu tư trong bối cảnh này là rất khó. 

Do đó, doanh nghiệp hiện nay, nhất là đối với lĩnh vực hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm đang trông chờ rất lớn vào những chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước. Còn bản thân các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực duy trì sản xuất để góp phần ổn định cung cầu, nhất là trong dịp Tết sắp tới. "Doanh nghiệp rất cần ngân hàng hỗ trợ để đi qua khó khăn", ông Dũng khẳng định.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh khẳng định nếu vấn đề vướng về cơ chế, chính sách, cơ quan này sẽ tổng hợp để phản ánh. Còn với vấn đề liên quan đến hành chính, con người, nếu doanh nghiệp gặp phải cán bộ ngân hàng gây phiền nhiễu thì cần phản ánh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM sẽ tiếp nhận, xử lý. 

Liên quan câu chuyện định hướng điều hành tín dụng 2023, ông Phạm Chí Quang dự báo các yếu tố bên ngoài còn nhiều thách thức, áp lực lạm phát vẫn lớn. Dù vậy, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không chỉ phòng thủ trước lạm phát mà không quan tâm đến tăng trưởng kinh tế. Cơ quan này luôn lắng nghe doanh nghiệp, bám sát diễn biến thị trường để đưa ra chính sách thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.

Việt Đức

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.