Fica
  1. Tài chính ngân hàng

“Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ trong ngắn hạn”

Mai Chi
Mai Chi

Đây là nhận định của SSI Research trong báo cáo mới phát hành, trong đó cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ trong ngắn hạn nhưng lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động.

Nhiều khả năng sang tới tháng 9, các biện pháp tài khóa và tiền tệ được sử dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế

Tuần qua, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới và các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung VND được cải thiện. Lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ 6-7 điểm cơ bản, kết tuần ở 0,90% cho kỳ hạn qua đêm và 1,04% cho kỳ hạn 1 tuần.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,66% so với đầu năm và tăng 1,13% so với tháng 6 - mức tăng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh.

Tại báo cáo mới phát hành, SSI Research đánh giá, với các số liệu thống kê đã công bố, đợt bùng phát lần thứ 4 chưa có nhiều tác động mạnh tới tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 7 (ngoại trừ doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ).

Tuy nhiên, khi việc giãn cách tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác tiếp tục kéo dài sang tháng 8 và nhiều khả năng sang tới tháng 9, các biện pháp tài khóa và tiền tệ được sử dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển phương thức giao dịch của việc mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối từ mua kỳ hạn 6 tháng sang mua giao ngay và điều này được kỳ vọng sẽ cung cấp thanh khoản kịp thời cho hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì tích cực.

Bên cạnh đó, ngoài các gói hỗ trợ cắt giảm lãi suất cho vay trước đó, trong tuần qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng đã công bố thêm gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng dành cho các khách hàng và doanh nghiệp nằm trong các tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16.

Nhờ vậy, SSI Research kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ trong ngắn hạn, trong khi đó lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động.

Trên thị trường ngoại hối, phiên giao dịch thứ 6 tuần trước tiếp tục có biến động mạnh, khi chỉ số đo lường tâm lý tiêu dùng, được tính bởi Đại học Michigan bất ngờ giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ 2011. Giá vàng ngay lập tức bật tăng trở lại và kết tuần tăng 0,92%.

Chỉ số DXY dao dộng quanh mức 93 điểm trong đầu tuần và giảm mạnh về 92,5 điểm vào thứ 6. Các đồng tiền chủ chốt đều tăng giá so với USD như JPY (tăng 0,60%); EUR (tăng 0,30%), CAD (tăng 0,31%). Các đồng tiền ở khu vực châu Á đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid đều giảm giá so với USD như KRW (giảm 2,35%); INR (giảm 0.13%); PHP (giảm 0,12%),..

Diễn biến trên trong bối cảnh lạm phát trong tháng 7 của Mỹ được công bố với mức tăng 5,4% so với cùng kỳ và lạm phát cơ bản tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mặc dù chỉ số CPI vẫn ở mức cao nhất trong vòng 13 năm qua, tuy nhiên dấu hiệu tăng chậm lại ở một số nhóm hàng đã xuất hiện trong tháng 7 và củng cố tâm lý nhà đầu tư trong đầu tuần.

Tại Việt Nam, việc NHNN hạ 225 VND/USD đối với tỷ giá mua vào ngoại tệ, xuống mức 22.750 VND/USD và chuyển phương thức giao dịch từ mua kỳ hạn sang mua giao ngay đã khiến cho tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại giảm 100 VND/USD ở cả 2 chiều, xuống mức 22.700/22.930.

Diễn biến trên thị trường tự do có chút khác biệt, một phần do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng lên gần 9 triệu đồng trong tuần qua - mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Tỷ giá tự do giảm 30 VND/USD ở chiều mua vào và tăng 20 VND/USD chiều bán ra, giao dịch ở 23.125/23.235.

Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,2 tỷ USD trong tháng 7/2021, lũy kế nhập siêu 2,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2021 - kém thuận lợi hơn so với mức xuất siêu 8,7 tỷ USD của cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư FDI và kiều hối vẫn khả quan nên cung cầu ngoại tệ trong nước khá cân bằng. Nhìn chung, VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực, trong bối cảnh đồng USD được đánh giá sẽ mạnh lên về cuối năm.

Mai Chi