Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng sẽ chùng xuống trong quý IV

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Theo giới chuyên gia tài chính, chi phí vốn tăng cao, biên lãi thuần thu hẹp khiến lợi nhuận của ngành ngân hàng khó duy trì chịu áp lực suy giảm tăng trưởng trong quý IV/2022.

Biên lãi thuần thu hẹp

Cuộc đua tăng lãi suất huy động nóng lên từ tháng 10 và tiếp tục nóng hơn trong tháng cuối năm. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm của hệ thống ngân hàng hiện đã cao hơn khá nhiều so với cách đây 2 tháng. Mức lãi suất 9,2 - 10%/năm với kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống đang được áp dụng phổ biến tại các ngân hàng.

Đáng chú ý, ở một ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, nếu khách hàng gửi từ 1 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 7 tháng sẽ được hưởng lãi suất 10,9%/năm, với điều kiện không rút trước hạn. Còn nếu gửi kỳ hạn 12 - 14 tháng, lãi suất cộng thêm 0,8%/năm, tức 11,7%/năm.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay. Theo đó, huy động tiền gửi chỉ tăng 4,6%, trong khi tín dụng tăng trên 11%. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng.

Trong bối cảnh này, việc tăng mạnh lãi suất huy động có thể khiến các ngân hàng sẽ phải hy sinh lợi nhuận, nhưng đây là diễn biến khó tránh khỏi trong việc cạnh tranh thu hút vốn giữa các kênh đầu tư.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phải duy trì sức hấp dẫn để đảm bảo tăng trưởng vốn huy động hợp lý so với tăng trưởng tín dụng.

Đặc biệt là khi room tín dụng vừa mới được nới thêm 1 - 2% cho tháng 12/2022 và chỉ còn hơn 20 ngày nữa là các nhà băng có room tín dụng mới của năm 2023 nên dự báo lãi suất tiền gửi sẽ chưa dừng lại, với kỳ vọng hút thêm tiền để cho vay ra.

Chính việc tăng lãi suất quá cao và nhanh trong thời gian qua được chuyên gia đánh giá là có thể sẽ gây ra áp lực lớn cho các ngân hàng về mặt lợi nhuận.

TS. Trần Hùng Sơn, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, lãi suất cho vay dù có thể sẽ được các ngân hàng điều chỉnh nhưng mức tăng có thể sẽ không nhiều như tăng lãi suất huy động, đồng thời cũng cần có độ trễ. Điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lãi thuần, qua đó ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Ảnh minh hoạ. 

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất đầu ra với các khoản vay bất động sản và vay cá nhân, trong khi với các ngành nghề ưu tiên mức lãi suất tăng ít hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh, ngân hàng sẽ phải tiết giảm chi phí để hạn chế mức tăng lãi suất cho vay, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp nhà băng nào cho vay lãi suất thấp sẽ được ưu tiên phân bổ mức tín dụng nhiều hơn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng được phân bổ mức tín dụng khác nhau, tùy khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng cũng như việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Lợi nhuận ngân hàng chịu áp lực trong quý cuối năm

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây là một trong các chính sách nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới. Thực tế, trong tháng 12, nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất cho vay trên dưới 1% như Vietcombank, Agribank, HDBank, ACB, MB…

Quý III/2022, lợi nhuận trước thuế từ báo cáo tài chính của 17 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ. Cụ thể, tỷ lệ thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng lần lượt 31,4% và 17,4% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với cùng kỳ và biên lãi ròng tăng khi các gói ưu đãi lãi vay Covid-19 dần hết hiệu lực.

Ngoài ra, việc tăng lợi nhuận còn đến từ chi phí dự phòng giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ do áp lực trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu không còn đáng kể và một số ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu phát sinh sắp tới.

Tuy nhiên, nếu so với quý trước đó, lợi nhuận quý III/2022 của các ngân hàng được theo dõi vẫn giảm khoảng 3% và chủ yếu xuất phát từ thu nhập ngoài lãi giảm 15,2%. Công ty Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS) nhận định, ngoài việc cạn room tín dụng ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần thì thị trường chứng khoán diễn biến kém thuận lợi khiến lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng gần như bằng 0 trong quý III/2022. Một nguyên nhân khác là thanh khoản thị trường bất động sản sụt giảm mạnh khiến hoạt động thanh lý tài sản thế chấp để thu nợ ngoại bảng của các ngân hàng gặp khó khăn.

Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại kể từ quý IV/2022, bởi ba nguyên nhân chính. Cụ thể, thu nhập ngoài lãi sẽ chậm lại theo khó khăn chung của thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong đó, thu nhập từ mảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Còn thanh khoản thị trường bất động sản bị tắc nghẽn gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ ngoại bảng. Mặc dù quỹ dự phòng của các ngân hàng đang khá dày và chất lượng tài sản tương đối ổn nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm khi thị trường bất động sản khó khăn.

Nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng khi các động thái kiểm soát tín dụng khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản bị tắc nghẽn. Các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và áp lực mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý...

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chậm lại là lãi suất huy động tăng đẩy chi phí huy động vốn cao hơn, khiến biên lãi thuần (NIM) sụt giảm.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng chậm lại do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng trong quý IV/2022 và cả năm 2023.

Bởi diễn biến bất lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng mà còn đe dọa nợ xấu có nguy cơ tăng trong thời gian tới, nhất là các ngân hàng đã mạnh tay đầu tư trái phiếu cũng như cho vay bất động sản.

Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đã cải thiện rất nhiều thời gian qua, song việc nợ xấu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ này và tác động lợi nhuận, nhất với những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu còn thấp.

Tuy nhiên, tác động trên sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt vừa qua, cùng với những thành viên đẩy mạnh được các nguồn thu ngoài lãi.

Trong đó, với những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động ngân hàng (LDR) thấp như HDBank, VIB, VPBank hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như ACB, HDBank, MSB... sẽ ít chịu áp lực hơn.

Đồng thời, với các nhà băng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao như Techcombank, MB, Vietcombank sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn khi mặt bằng lãi suất huy động ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, các ngân hàng có thế mạnh trong những mảng kinh doanh khác như bán lẻ, bảo hiểm… có khả năng tối ưu lợi suất tài sản tốt hơn. Vì thực tế cho thấy, doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng, nhất là nhà băng lớn.

Theo số liệu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm nay ước đạt hơn 84.000 tỷ đồng (tăng 15,6% so cùng kỳ).

Theo Thuỳ Vinh

Đầu Tư Chứng Khoán

Nguồn: Đầu Tư
Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.