Cựu quan chức về hưu ngồi "ghế nóng" ngân hàng
Ngày 23/2, Hội đồng quản trị Vietbank đã có quyết định về việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank.
Theo đó, Hội đồng quản trị Vietbank đã thống nhất bầu ông Bùi Xuân Khu - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Thành viên Thường trực Hội đồng quản trị giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị để điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị thay thế ông Dương Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm.
Tân Chủ tịch Vietbank Bùi Xuân Khu
Ông Bùi Xuân Khu là Cử nhân kinh tế Trường Đại học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh. Ông đã gắn bó với Vietbank từ năm 2011 với vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Thành viên Thường trực Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng.
Trước khi tham gia Hội đồng quản trị Vietbank, ông Bùi Xuân Khu từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương và đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh (Tổng giám đốc Tổng Công ty dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Dầu khí Toàn Cầu…).
Như vậy, ông Bùi Xuân Khu là cựu quan chức cấp cao tiếp theo làm chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần. Trước đó, cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm, ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá... sau khi về hưu cũng đã đầu quân làm lãnh đạo cao cấp của ngân hàng.
Có thể điểm qua như cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm là Chủ tịch Ngân hàng HDBank thời gian từ 12/6/2010 đến nay (của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo) và Chủ tịch Công ty sữa Vinamilk (VNM) thời gian từ tháng 7/2015 đến nay. Bên cạnh đó, bà Tâm là cố vấn cấp cao cho một số định chế tài chính nước ngoài.
Cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm là Chủ tịch Ngân hàng HDBank
Tại MB, Chủ tịch ngân hàng này hiện nay là Thượng tướng Lê Hữu Đức (1955). Thượng tướng Lê Hữu Đức là nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tốt nghiệp tiến sĩ tại Học viện Quốc phòng.
Hay như ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ tịch Ngân hàng ACB từ 2008-2012. Ông Trần Xuân Giá cùng với nhiều cựu lãnh đạo cao cấp tại ACB như ông Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang… đã bị điều tra trong "vụ án bầu Kiên" tại ACB.
Ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các ngân hàng Ngân hàng Nhà nước cũng từng là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sacombank từ 2014 - 2017. Ông Dũng cũng là chủ tịch Công ty Chứng khoán ACB, rồi Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sacombank...
Hay như ở ABBank, ông Lưu Văn Sáu, người từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong các vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - sau khi về hưu vào năm 2015 đã tham gia cố vấn cho ABBank.
Từ năm 1994-1998, ông Sáu là Trưởng phòng Phân tích Kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, sau đó chuyển sang làm vụ Phó Vụ Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng Nhà nước. Từ 1998 - 2015, ông Sáu làm Vụ phó Hàm Vụ Trưởng, Vụ Kinh tế Tổng hợp - Văn phòng Chính phủ. Ông Sáu nghỉ hưu từ năm 2015.
Cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Cao Sĩ Kiêm
Tại DongABank, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Cao Sĩ Kiêm từng làm chủ tịch ngân hàng hàng này. Ông Kiêm sinh năm 1941, từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giai đoạn từ 1989 đến 1997.
Ông Cao Sĩ Kiêm làm thành viên HĐQT độc lập của Ngân hàng Đông Á từ tháng 3/2012 và chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cuối tháng 4/2014.
Năm 2015, ông bất ngờ đã bất ngờ xin từ chức Chủ tịch HĐQT vì lý do sức khỏe. Người thay ông Kiêm là ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước. DongABank ít lâu sau (tháng 8/2015) bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng có Chủ tịch đương nhiệm từng là cựu Thứ trưởng làm ăn ra sao?
Thông tin từ Vietbank cho biết, việc thay đổi vị trí chủ tịch là nhằm phù hợp với tình hình hoạt động của Hội đồng quản trị nói riêng và Vietbank nói chung trong giai đoạn mới cũng như trong điều kiện thị trường hiện nay chịu các tác động của dịch bệnh Covid-19.
VietBank được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng với vị thế ban đầu là một ngân hàng nông thôn. Các cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền. Sau 5 lần tăng vốn, Vietbank hiện có vốn điều lệ 4.192 tỷ đồng.
Hồi giữa năm 2019, Vietbank đã đưa cổ phiếu VBB lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 403 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2019, chủ yếu do thu nhập lãi thuần sụt giảm mạnh 53%, chỉ đạt 573 tỷ đồng trong năm 2020.
Cuối năm 2020, nợ xấu của Vietbank là 785 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,31% lên 1,75%.
Tại HDBank, dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Băng Tâm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng năm 2020 đạt 5.818 tỷ đồng, tăng 15,9% và hoàn thành 102,8% kế hoạch năm 2020.
Tổng nợ xấu của HDBank tăng 18% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.357 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 68% nhưng nợ có khả năng mất vốn giảm 20%. Tuy nhiên, cho vay khách hàng tăng 22% (178.323 tỷ đồng), kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 1,36% xuống còn 1,32%. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%.
Năm 2020, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của MB do ông Lê Hữu Đức làm Chủ tịch HĐQT đạt 16.806 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2019. Tuy nhiên, do trích lập dự phòng tăng 25% lên 6.118 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ còn 10.688 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước.
Tổng tài sản của MB đến cuối năm 2020 tăng 20% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 14% lên 310.960 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 94% ở mức 50.923 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2020, nợ xấu của MB giảm song số nợ xấu tuyệt đối tăng 12% lên 3.248 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 124% lên 1.384 tỷ đồng; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 134%.
An Hạ (tổng hợp)