Theo quyết định mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, kể từ hôm nay 1/10, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
"Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Khảo sát thị trường sáng nay cho thấy, nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới, giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; có ngân hàng còn điều chỉnh mạnh tới 0,7%, đưa lãi suất xuống sâu dưới mức 4%/năm.
Lãi suất ngân hàng giảm sâu, có kỳ hạn xuống thấp nhất 10 năm qua (ảnh minh họa)
Ví dụ tại Saigonbank, lãi suất huy động được ngân hàng này giảm mạnh tới 0,2-0,7% ở một số kỳ hạn so với tháng trước. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng-2 tháng giảm mạnh từ 4,15% xuống còn 3,4-3,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 giảm từ 4,25%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 4-5 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống mức 4%/năm.
Hay như tại DongABank, lãi suất huy động cũng được ngân hàng điều chỉnh giảm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng-5 tháng ở mức 3,83%/năm, giảm 0,42%/năm so với trước điều chỉnh.
Tại ACB, lãi suất tiết kiệm truyền thống ở kỳ hạn 1 tháng giảm 0,1%, xuống còn 3,6-3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 và 3 tháng tại ngân hàng này giữ nguyên so với tháng 9, từ 3,8-3,9%/năm.
Trên thực tế, làn sóng giảm lãi suất huy động cũng diễn ra mạnh kể từ đầu tháng 9 đến nay. Hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, HDBank, Techcombank, ACB, NamABank… giảm thêm 0,2-0,4%/năm lãi suất huy động tùy từng kỳ hạn.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đã giảm rất sâu, có kỳ hạn giảm tới 2,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng thấp kỷ lục.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tuần từ 14-18/9, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7,1%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của tổ chức tín dụng cũng có xu hướng giảm. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 297.892 tỷ đồng, bình quân 59.578 tỷ đồng/ngày, tăng 1.908 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 165.913 tỷ đồng, bình quân 33.183 tỷ đồng/ngày, tăng 9.193 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Xét về lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần giảm so với mức lãi suất tuần trước ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,13%/năm, 0,23%/năm và 0,45%/năm.
Việc giảm đồng loạt lãi suất ngân hàng theo đánh giá của giới chuyên môn là động thái tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Bởi lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng yếu của nền kinh tế. Do vậy thời gian tới, việc hấp thụ vốn được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới.
An Hạ