Lãi suất huy động dự báo trong ngắn hạn chưa tăng. |
Lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì mức thấp
Thống kê cho thấy, trong tuần qua, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 53 tỷ đồng thông qua việc đáo hạn hợp đồng mua kỳ hạn 7 ngày.
Các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung VND trên liên ngân hàng dồi dào hơn.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ 3 bps, chốt tuần ở mức 0,95%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,10% với kỳ hạn 1 tuần.
“Lãi suất liên ngân hàng dự báo sẽ duy trì ở mức thấp khi lượng tiền đồng từ bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục về nhiều hơn trong thời gian tới” - các chuyên gia SSI Research nêu dự báo tại báo cáo vừa phát hành.
NHNN trong tuần qua đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng được nới thêm từ 2 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu. SSI kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Cụ thể, một số ngân hàng như VCB, BIDV, Vietinbank, MBB, ACB, HDB, Sacombank, TP Bank và NH Bản Việt đã chính thức thông báo giảm lãi suất cho vay ít nhất 1%/năm kể từ 15/7 đến cuối năm, cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.
Trong khi đó, lãi suất huy động không thay đổi và được kỳ vọng sẽ đi ngang trong ngắn hạn.
Tỷ giá có thể giảm nhẹ vào cuối năm
Cũng trong tuần qua, lạm phát trong tháng 6 của Mỹ được công bố với mức tăng 5,4% so với cùng kỳ - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008 và CPI lõi tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1991 và điều này ngay lập tức đã khiến giá vàng và USD tăng mạnh.
Mặc dù động thái tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng của chủ tịch Fed trong phiên điều trần vào thứ 5 đã phần nào hạ nhiệt thị trường, doanh số bán lẻ tích cực của Mỹ trong tháng 6 và tâm lý thị trường vẫn tương đối thận trọng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh toàn cầu giúp USD duy trì đà tăng.
Kết tuần, giá vàng thế giới tăng 0,21%, chỉ số DXY dao động trong vùng từ 92,2 - 92,7. Các đồng tiền chủ chốt tiếp tục giảm giá so với USD như EUR (-0,59%), GBP (-0,96%), CAD (-1.33%).
Các đồng tiền ở khu vực châu Á sự kiểm soát tốt dịch bệnh và tăng trưởng tốt nhờ hoạt động xuất nhập khẩu như TWD (0,22%), KRW (0,79%) tăng giá so với USD.
Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND hai thị trường có diễn biến trái chiều khi USDVND niêm yết của các NHTM tăng nhẹ 10 đồng ở mỗi chiều, kết tuần ở mức 22.910/23.110.
Ngược lại, tỷ giá tự do giảm tương đối mạnh, 95 đồng ở chiều mua vào và 85 đồng/USD chiều bán ra, kết tuần ở mức 23.205/23.255.
Giá vàng trong nước hầu như không có biến động đáng chú ý, dao động quanh 56,90/57,30 triệu đồng/lượng mặc dù giá vàng thế giới tăng mạnh.
Như vậy, tỷ giá USD/VND từ đầu tháng 7 đến nay giữ xu hướng đi ngang do cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng nhờ dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI tích cực, đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại trong quý II/2021.
Theo các chuyên gia SSI, tỷ giá USD/VND sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ về cuối năm do cán cân thanh toán được cải thiện.
Mai Chi