Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Lãi suất gửi tiết kiệm các kỳ hạn đều đang có xu hướng giảm

Mai Chi
Mai Chi

Theo số liệu của Fiin Group, lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trong tháng 9 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.

Lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn đều giảm

Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,125%; lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm 0,163%; lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) giảm 0,14%.

Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh sụt giảm mạnh nhất khi mất đi 0,225%. Lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) có mức giảm lần lượt là 0,08 và 0,19%.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm chủ yếu do thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì dồi dào.

Tính tới 30/9, tăng trưởng tín dụng vẫn dừng ở mức 6,09% so với đầu năm (tăng trưởng 9,4% trong cùng kỳ năm 2019).

Sức hấp thụ của nền kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cho tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã bật tăng mạnh trong 2 tuần cuối tháng 9, từ mức 4,81% tính tới ngày 16/9/2020.

Việc hồi phục tăng trưởng tín dụng cho thấy nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng GDP của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

NHNN trong tuần qua cũng quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%. Tuy nhiên, BVSC cho rằng động thái này sẽ không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường, mà chỉ phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm.

BVSC dự báo lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) có thể vẫn còn dư địa để giảm thêm nhưng lãi suất các kỳ hạn dài hơn (trên 6 tháng) nhiều khả năng sẽ ổn định trong quý cuối năm.

Mai Chi