Khảo sát thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,5%/năm so với đầu tháng 10.
Theo đó, Vietcombank điều chỉnh giảm ở khá nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại ngân hàng này còn 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng còn 3,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng còn 5,9%/năm… Các mức lãi suất này được Vietcombank giảm tới 0,2% so với trước đó.
BIDV cũng giảm mạnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2% xuống 3,3%/năm; giảm mạnh nhất là kỳ hạn 9 tháng, giảm 0,3% về mức 4,2%/năm.
Cũng ở nhóm ngân hàng lớn, VietinBank cũng vừa hạ lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, khách gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn lãi suất 3,3%/năm; ở kỳ hạn gửi dưới tháng 6, lãi suất cao nhất đang áp dụng cũng chỉ 3,6%/năm; trong khi các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng còn 5,8%/năm, các mức lãi suất này giảm 0,2% so với biểu lãi suất trước đó.
Lãi suất huy động VND ở nhiều ngân hàng đang ở mức thấp nhất 10 năm qua.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhiều ngân hàng cũng nhập cuộc đua hạ lãi suất huy động VND, thậm chí có ngân hàng còn thay đổi biểu lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 10 đến nay.
Mới đây nhất, ngày 8/10, VPBank đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới với các mức lãi suất giảm mạnh ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Cụ thể, ngân hàng này giảm lãi suất từ 0,05-0,4 % nhiều kỳ hạn so với hồi đầu tháng 10. Nếu khách gửi dưới 300 triệu đồng, kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,25%/năm; kỳ hạn từ 7-11 tháng còn 5,1%/năm và kỳ hạn từ 15-36 tháng còn 5,4%/năm, giảm tới 0,4%. Mức lãi suất cao nhất của VPBank cũng chỉ còn 6,1%/năm với điều kiện khách gửi số tiền trên 50 tỷ đồng trong 24 tháng.
Là ngân hàng từng có mức lãi huy động cao, SHB cũng đã giảm lãi suất xuống 3,5%/năm ở kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng từ 3,6-3,7%/năm; 6 tháng 5,6%/năm.
Hay như Sacombank vừa giảm lãi suất huy động VND thêm 0,2-0,5%/năm so với mức đầu tháng 10. Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này còn 3,5%/năm, 2 tháng còn 3,6%/năm, 3 tháng còn 3,7%/năm, 6 tháng còn 5,2%/năm, 9 tháng ở mức 5,4%/năm...
Trước đó, ngay từ ngày 1/10, nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới, giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; có ngân hàng còn điều chỉnh mạnh tới 0,7%, đưa lãi suất xuống sâu dưới mức 4%/năm.
Trên thực tế, làn sóng giảm lãi suất huy động cũng diễn ra mạnh kể từ đầu tháng 9 đến nay. Hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, HDBank, Techcombank, ACB, NamABank… giảm 0,2-0,4%/năm lãi suất huy động tùy từng kỳ hạn.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đã giảm rất sâu, có kỳ hạn giảm tới 2,5%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng thấp kỷ lục.
Thời gian trước đây, lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại Nhà nước và khối ngân hàng thương mại cổ phần lớn thường thấp hơn so với lãi suất huy động của ngân hàng nhỏ; nhưng hiện nay, mức chênh lệch giữa hai khối này không nhiều.
Dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy: Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,5-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7%/năm.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5%/năm.
An Hạ