Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Lãi suất điều hành tăng, còn lo áp lực tỷ giá?

Thảo Thu
Thảo Thu

Dù giúp "kìm cương" tỷ giá USD/VND, song nỗi lo lãi suất cho vay tăng và biến số khó đoán tới thị trường chứng khoán lại hiện hữu.

Từ hôm nay (23/9), Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng lãi suất điều hành mới. Sau gần 2 năm, trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn... được điều chỉnh tăng. 

Quyết định đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 0,75%, nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ.

Giảm áp lực tỷ giá

Trao đổi với Dân trí, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định mức tăng lãi suất lần này không mạnh.

"Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và chưa tăng trong một thời gian dài", ông nói. Việc tăng lãi suất điều hành, theo ông Thành, cũng là cách giảm áp lực lên tỷ giá hiện nay.

Lãi suất huy động mới sẽ được áp dụng từ hôm nay (Biểu đồ: Thảo Thu).

Cùng quan điểm, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam - tổ chức chuyên về tài chính, nhận định việc tăng lãi suất huy động là động thái nhằm hỗ trợ tỷ giá VND/USD. Việc điều chỉnh sẽ giúp đồng Việt Nam hấp dẫn. Theo ông Phục, nếu lãi suất VND cao hơn USD, giới đầu tư ít có xu hướng bán đồng Việt Nam để mua USD.

Từ trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam khó giữ được mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất. Đồng USD, thực tế đã ngày càng mạnh lên từ khi Fed chưa tăng lãi suất, đồng Việt Nam mất giá là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện tăng lên 3,51%/năm. Còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng ở vùng cao nhất 15 năm trở lại đây, đạt 4,02%/năm. Lợi suất cao hơn giúp củng cố đồng bạc xanh và khiến giới đầu tư có xu hướng đem USD về Mỹ đầu tư. Điều này khiến các đồng tiền khác giảm mạnh. Việt Nam cũng diễn ra tình trạng bán VND để thu USD. Đối ứng, Ngân hàng Nhà nước đã bán hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại tệ từ đầu năm, ông Phục cho hay.

Đồng Việt Nam từ đầu năm mất giá khoảng 3,8%. Theo ông Phục, mức này thuộc dạng mất thấp trong nhóm đồng tiền của khu vực và thế giới. Ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất huy động, nhưng không thể hoàn toàn chặn đứng mà chỉ góp phần giúp tiền đồng đỡ mất giá.

Tỷ giá USD/VND dù đã được "kìm cương" bằng các động thái bán ngoại tệ, áp lực tỷ giá trong tương lai vẫn còn, khi Fed tiếp tục tăng lãi suất. Ông Phục cho rằng VND có thể mất giá thêm 1-2% cho tới cuối năm.

Tỷ giá tăng "nóng" từ đầu năm đến nay (Biểu đồ: Thảo Thu).

Với mặt bằng lãi suất thấp và tỷ giá ổn định từ trước đó, các doanh nghiệp tận dụng nhiều đòn bẩy tài chính có lợi thế hơn nhóm có tình hình tài chính dựa chính vào vốn tự có. Tuy nhiên, biến động tỷ giá có thể tác động mạnh đến kết quả kinh doanh tới đây của các doanh nghiệp dựa nhiều vào vốn vay ngoại tệ.

Áp lực lãi vay

Loạt lãi suất điều hành được nâng lần này gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn... Thực tế, tác động của việc tăng lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu là không lớn, song việc nâng trần lãi suất huy động lại ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng và khách hàng. Giới chuyên gia cùng nhận định lãi suất cho vay theo đó có thể sẽ tăng.

Dù vậy, theo ông Võ Trí Thành, vẫn có thể lạc quan khi Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua (22/9) đã chỉ đạo phải giữ ổn định lãi vay. "Cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp", ông Thành nói. Việc này cũng phù hợp mục tiêu linh hoạt cơ cấu tín dụng, nhưng vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng 14% cho năm nay.

Trong trường hợp vẫn lo tăng lãi suất huy động ảnh hưởng đến lãi vay và tác động xấu tới người dân, doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể vừa tăng lãi suất huy động và trong trường hợp cần thiết vẫn có thể bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá hối đoái.

Giới chuyên gia cùng nhận định lãi suất cho vay theo đó có thể sẽ tăng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Lãi suất điều hành tăng, theo các chuyên gia, gây áp lực không chỉ đến lãi vay mà còn cả lãi suất huy động tiền gửi, nhất là khi tốc độ huy động vốn không bắt kịp với tăng trưởng tín dụng. Tính đến hết tháng 6, tăng trưởng cung tiền khiêm tốn ở mức 3,8%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại lên tới 9,44%.

Dù vậy, theo ông Đặng Trần Phục, chưa cần lo cung vốn người dân không đủ cầu doanh nghiệp. "Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch là các ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao, nên vốn chủ sở hữu hàng năm tăng mạnh, giúp dư phần tiền cho vay ra ngoài", ông lý giải.

Lãi suất điều hành mới cũng sẽ có tác động nhất định tới thị trường chứng khoán. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, trước biến số lãi suất, thị trường phản ứng nhanh nhạy và thường có xu hướng giảm điểm nhiều hơn.

Nhà đầu tư thường đặt lên bàn cân so sánh giữa tỷ suất sinh lời từ các kênh đầu tư và lãi suất huy động. Theo trưởng phòng đầu tư một công ty chứng khoán, về lý thuyết, mặt bằng lãi suất tăng lên, bàn cân lệch nhiều hơn về kênh gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý đến định giá thị trường, xem đã về vùng hấp dẫn hay chưa. Trong ngắn hạn, cần quan sát thêm thị trường cùng những biến động kinh tế thế giới.