Thanh khoản ngân hàng vẫn rất dồi dào |
Các số liệu thống kê cho thấy, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hút ròng 25.000 tỷ đồng qua thị trường mở.
Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 25.000 tỷ đồng tín phiếu mới (kỳ hạn 91 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,65%) và không có lượng tín phiếu đáo hạn nào. Trên kênh OMO, NHNN vẫn tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào.
Như vậy, lượng tín phiếu đang lưu hành hiện đã tăng lên mức 145.000 tỷ đồng. Theo thông tin từ NHNN, dư nợ trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,06%, mức tăng thấp nhất trong 6 năm. Phần lớn dư nợ vào các ngành đều giảm. Một số ngân hàng lớn như BIDV thậm chí còn có tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm (-2%).
Tăng trưởng tín dụng thấp khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, tạo điều kiện thuận lợi để NHNN tiếp tục hút ròng tiền về qua kênh tín phiếu.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trong tuần giảm nhẹ ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với mức giảm là 0,01%; 0,26% và 0,12%, lần lượt xuống mức 2,01%/năm; 2,16%/năm và 2,24%/năm. Thanh khoản tiếp tục dồi dào giúp lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ trong tuần vừa rồi.
Tỷ giá trung tâm giảm 27 đồng xuống mức 23.197 VND/USD, tỷ giá tại NHTM cũng giảm 25 đồng xuống mức 23.206 VND/USD. Tỷ giá VND/USD giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD chịu áp lực mất giá khi FED cắt giảm 0,5% trong một động thái rất bất ngờ.
Mức giảm 0,5% là mức giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm gần đây. Công cụ FedWatch cũng cho thấy phần lớn nhà đầu tư đang kỳ vọng FED tiếp tục giảm thêm lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào ngày 18/03. Trên cơ sở đó, USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục yếu đi, đồng nghĩa với tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.
Chỉ số DXY đóng cửa tuần ở mức 95,95 điểm, giảm mạnh 2,22% so với tuần trước đó. Cụ thể, USD giảm giá lần lượt 2,37%; 1,75%; 2,34%; 2,19% và 2,83% so với JPY, GBP, EUR, SEK và CHF. Ngược lại, USD tăng giá nhẹ so với CAD.
Chỉ số USD Index giảm giá mạnh khi FED tiến hành cắt giảm 0,5% lãi suất trong một cuộc họp đột xuất. Đối với kinh tế Mỹ, lo ngại chính từ dịch bệnh đến từ cú sốc cung chứ không phải cú sốc cầu. Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia lớn, đặc biệt khi thị trường Trung Quốc bị gián đoạn mang đến nhiều lo ngại cho kinh tế Mỹ.
Khi sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động thuê mướn lao động sẽ giảm sút, theo đó thu nhập của người tiêu dùng cũng sụt giảm và hệ quả là kinh tế tăng trưởng chậm lại và khiến đồng USD suy yếu.
Bên cạnh đó, các chỉ số về niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm, chỉ số PMI khu vực dịch vụ cũng giảm về mức 49,4 trước lo ngại dịch Covid-19 lây lan tại nước này.
Mai Chi