Đại học Y Hà Nội |
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, tổ chức này đã phê duyệt khoản vay 80 triệu USD để xây dựng và trang bị cho hai cơ sở mới của trường Đại học Y Hà Nội và trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, tăng khả năng tuyển sinh đại học hàng năm vào các trường này thêm 2.200 người và tăng thêm 1.863 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm từ năm 2032.
Theo ADB, dự án Phát triển nguồn nhân lực y tế Giai đoạn 2 sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo chuyên môn y tế tại mỗi trường đại học.
Khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD từ Quỹ Giảm nghèo Nhật Bản, được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản và do ADB quản lý, sẽ hỗ trợ cập nhật các chương trình đào tạo để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng tốt hơn để giải quyết các nhu cầu về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng ở vùng khó khăn.
Theo đó, chất lượng của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế vùng sâu vùng xa cũng sẽ được nâng cao thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo y tế thường xuyên bằng cách sử dụng các công nghệ đổi mới đào tạo từ xa.
“Dự án sẽ giúp Việt Nam đạt được các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và gia tăng số tuyển sinh đầu vào tại hai trường Đại học sức khỏe hàng đầu của Việt Nam”, ông Gerard Servais, Chuyên gia Y tế cao cấp của ADB nhận định. “Việc dự án này tập trung vào các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn sẽ giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở các vùng nghèo và vùng sâu, vùng xa”.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế có kỹ năng, với con số ước tính là 43.250 bác sĩ, 249.416 y tá, và 22.199 dược sĩ vào năm 2030.
Dự án nhằm mục tiêu giải quyết một trong những rào cản chính: cơ sở vật chất hạn chế và các chương trình đào tạo lạc hậu tại các cơ sở giáo dục và đào tạo y tế của Việt Nam đang kìm hãm việc gia tăng số lượng tuyển sinh đầu vào và tiếp đó là số lượng sinh viên tốt nghiệp có trình độ.
Mai Chi