Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 5/1, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp lớn ở mức 56,35 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,85 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Các mức giá này tăng tiếp 200.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự tại TPHCM, giá vàng SJC hiện giao dịch ở mức 56,35 triệu đồng/lượng - 56,9 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 100.000 đồng/lượng.
Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội được doanh nghiệp niêm yết ở mức 56,15 triệu đồng/lượng - 56,9 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM chốt phiên ở mức 56,25 triệu đồng/lượng - 56,8 triệu đồng/lượng.
Sáng qua, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch ở mức 55,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,4 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp ở mức 55,85 triệu đồng/lượng - 56,4 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ trong ngày giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội đã bật tăng mạnh mỗi chiều 750.000 đồng/lượng và 650.000 đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM tăng 650.000 đồng/lượng.
Kể từ khi vàng đảo chiều từ dưới 1.900 USD/ounce do USD ngày càng suy yếu, nhiều nhà giao dịch đã lập tức chuyển hướng sang thị trường vàng (ảnh minh họa)
Trên thế giới, lúc 7h45 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á có biên độ giảm 3,7 USD, giao dịch ở mức 1.938,5 USD/ounce.
Lúc 6h sáng, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 1.942 USD/ounce, tăng 33 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Trong phiên, có lúc giá vàng đạt 1.945 USD/ounce.
Giá vàng tăng vọt trong bối cảnh USD suy yếu và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại nhiều quốc gia. Một lượng tiền lớn được giới đầu tư đổ vào thị trường vàng, còn chứng khoán bị bán tháo.
Giới đầu tư trên thế giới bán tháo cổ phiếu khiến 3 chỉ số chứng khoán tại Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq bốc hơi dữ dội; thị trường chứng khoán châu Á như Nhật Bản… cũng chìm trong sắc đỏ.
Ông Carsten Menke của Julius Baer cho hay: Kể từ khi vàng đảo chiều từ dưới 1.900 USD/ounce do USD ngày càng suy yếu, nhiều nhà giao dịch đã lập tức chuyển hướng sang thị trường vàng.
Hiện tại, đồng USD trên thị trường thế giới giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm rưỡi, nối dài xu hướng lao dốc mạnh của năm 2020. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 89,41 điểm.
Trong khi đó, đồng euro và bảng Anh tăng khá ấn tượng trong phiên đầu tuần.
Trong bối cảnh này, đồng USD được dự báo còn giảm tiếp và có thể phá đáy trong năm 2021 do giới đầu tư kỳ vọng chính quyền ông Joe Biden sẽ đưa ra thêm các gói cứu trợ kinh tế mới và các nhà đầu tư dự kiến mức lãi suất thấp tại Mỹ.
Gói kích thích kinh tế gần 900 tỷ USD của Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm tính thanh khoản trên thị trường tài chính Mỹ, qua đó làm suy yếu đồng tiền này. Một đồng USD yếu được cho là sẽ đẩy giá vàng đi lên.
Trong năm 2021, giá vàng được dự báo sẽ biến động theo diễn biến dịch bệnh Covid, với tâm điểm là các đợt bùng phát do biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Sự thành công của các chương trình phát triển vaccine ngừa Covid-19 sẽ kiềm chế đà tăng của giá vàng.
Tuy nhiên, vàng được dự báo sẽ vẫn ở mức cao trong nửa đầu 2021 do các nước duy trì lãi suất cực thấp và các biện pháp kích thích kinh tế.
An Hạ