Lúc 9h30 sáng nay (31/8), giá vàng SJC tại Hà Nội được niêm yết ở mức 56,5 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không thay đổi so với chốt phiên hôm qua. Tại TPHCM, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,7 - 57,4 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 100.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com hiện có biên độ tăng 2,6 USD, được giao dịch ở mức 1.812,8 USD/ounce. Lấy tỷ giá tại Vietcombank (22.880 đồng/1USD) để tính, giá vàng trong nước hiện cao hơn thế giới gần 8 triệu đồng/lượng.
Trong phiên hôm qua tại thị trường châu Á, giá vàng có lúc chạm ngưỡng 1.820 USD/ounce. Thị trường đã mất 2 tuần để tăng từ mức thấp 1.687 USD/ounce vào ngày 9/8 để chinh phục vùng tâm lý hiện tại.
Biến động giá vàng 24 giờ qua theo Kitco.com.
USD giảm sâu là nền tảng để vàng tăng giá. Diễn biến này xuất hiện sau khi Chủ tịch FOMC Jerome Powell không công bố thời điểm ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm mua tài sản và nhắc lại quan điểm của ông rằng lạm phát tăng đột biến hiện nay chỉ là tạm thời.
Dù đang có biên độ tăng nhưng so với sáng qua, giá vàng thế giới giảm khoảng 8 USD/ounce.
Giá vàng giảm khi áp lực bán tăng lên trong bối cảnh thị trường đón nhận thông tin về tình hình nhà ở của Mỹ.
Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết, chỉ số bán nhà đang chờ xử lý đã giảm 1,8% về 110,70 căn trong tháng 7, trong khi các dự báo đều đồng thuận là tăng 0,5%. Số liệu cũng cho thấy hàng tồn kho đang tăng dần lên.
Giới chuyên gia đánh giá, nhu cầu vàng vật chất trong đó phải kể đến các nước đông dân ở châu Á như Trung Quốc đang tăng trở lại, nhu cầu vàng trang sức, đồng tiền vàng tăng mạnh. Đặc biệt, tại Ấn Độ, nhu cầu vàng trang sức, đồng tiền vàng bất ngờ tăng mạnh, giúp thị trường vàng phục hồi, mặc cho tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp.
An Hạ