Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết ở mức 54,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 55,1 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Tại TPHCM, giá vàng SJC cũng chốt phiên ở mức 54,7 triệu đồng/lượng - 55,1 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc 7h sáng nay 6/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ tăng nhẹ lên mức 1.729,5 USD/ounce.
Giá vàng bật tăng phiên sáng nay (ảnh: Hoàng Dung).
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong bối cảnh đồng USD suy giảm cho dù nền kinh tế Mỹ đón nhiều tín hiệu tốt.
Giới đầu tư lo ngại nền kinh tế thế giới sẽ không tăng trưởng mạnh sau đại dịch Covid-19 do sự hồi phục không đồng đều.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù triển vọng nhìn chung đã cải thiện, nền kinh tế thế giới đang hướng đến đà tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 50 năm qua trong năm nay nhưng giữa các nước đang có sự chênh lệch đáng báo động về sự hồi phục.
Tại Mỹ, tháng 3 vừa qua, nền kinh tế đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong 7 tháng do có nhiều người dân được tiêm vắc xin và chính phủ triển khai các gói cứu trợ đại dịch bổ sung.
Vàng thường được xem là hàng rào chống lại sự gia tăng của lạm phát, nhưng lợi suất trái phiếu cao thường làm tăng chi phí cơ hội sở hữu vàng, đã thách thức danh hiệu này.
Trước mắt sức cầu đối với mặt hàng này vẫn khá thấp. Giới đầu tư vẫn đang dồn tiền vào nhiều loại tài sản có độ rủi ro cao như cổ phiếu.
Từ ngày 1/1/2020 đến hết năm 2020, giá vàng thế giới đã tăng 24% và tại một số thời điểm, vào tháng 8/2020, vàng vọt lên cao nhất trong lịch sử đạt trên 2.000 USD/ounce. Theo đó, vàng là một trong những kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất trong 2 năm 2019-2020.
Tuy nhiên, giá vàng đã giảm khoảng 200 USD/ounce trong quý 1/2021, là quý đầu năm tồi tệ nhất trong gần 4 thập kỷ trở lại đây. Đây cũng là quý có biến động giá tiêu cực nhất của vàng so với bất kỳ quý nào kể từ quý 4/2016. Các chất xúc tác từng hỗ trợ giá vàng năm 2020 đến nay đã dần hết hiệu lực.
An Hạ