Lợi nhuận tụt lại
Eximbank (mã chứng khoán: EIB) công bố kết quả kinh doanh quý III với nhiều chỉ tiêu đi thụt lùi, nằm trong nhóm ít những ngân hàng thương mại không tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, chỉ tiêu quan trọng bậc nhất trong hoạt động ngân hàng là thu nhập lãi thuần (NII) của Eximbank quý III chỉ đạt 737 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đây cũng là mức NII thấp nhất của Eximbank trong một quý từ giữa năm 2018 đến nay.
Khi nguồn thu chiếm gần 80% tổng thu nhập hoạt động (TOI) kém khả quan, những khoản thu nhập ngoài lãi của Eximbank cũng không ghi nhận nhiều điểm tích cực.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Eximbank chỉ đạt 77 tỷ đồng trong quý III, thấp hơn cùng kỳ 2020 25%, đồng thời cũng là mức đáy trong hơn một năm qua. Tương tự, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng chỉ còn 68 tỷ đồng, giảm 40% so với quý III năm trước.
Điểm đáng khích lệ duy nhất là lãi thuần từ nghiệp vụ mua bán chứng khoán đầu tư của Eximbank đạt 43 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn giá trị chứng khoán ngân hàng này nắm giữa là chứng khoán nợ (trái phiếu).
Trong quý vừa qua, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank tăng 30% lên 61 tỷ đồng. Sau khi hạch toán chi phí hoạt động cũng như dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý III của Eximbank còn lại 412 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, đây cũng đã là mức lãi cao nhất của ngân hàng này trong 4 quý gần nhất.
Biểu đồ: Việt Đức.
Lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 966 tỷ đồng, thấp hơn 12% so với cùng kỳ 9 tháng 2020. Đây là cái tên duy nhất suy giảm lợi nhuận 9 tháng so với cùng kỳ trong số hơn 20 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh.
Theo tài liệu dự kiến trình đại hội cổ đông thường niên năm nay, kế hoạch lợi nhuận cả năm của Eximbank là 2.150 tỷ đồng. Nếu so với mục tiêu chưa được thông qua chính thức do đại hội cổ đông vẫn chưa thể tiến hành, nhà băng này mới hoàn thành vỏn vẹn 45% kế hoạch năm.
Tỷ lệ nợ xấu giảm, nợ nhóm 2 tăng mạnh
Kết thúc tháng 9, dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank đạt hơn 105.000 tỷ đồng, chỉ tăng 4,4% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn ngành hơn 7% trong cùng thời gian.
Nếu chỉ tính riêng trong 3 tháng quý III, dư nợ cho vay của Eximbank thậm chí còn giảm hơn 1.100 tỷ đồng. Song song đó, số dư dự phòng cũng giảm nhẹ gần 100 tỷ đồng.
Biểu đồ: Việt Đức.
Điểm tích cực của Eximbank về tín dụng là chất lượng nợ cho vay được cải thiện phần nào. Tỷ lệ nợ xấu (tổng nợ nhóm 3-5) trên tổng dư nợ tại thời điểm ngày 30/9 đạt khoảng 2,2%, giảm so với mức 2,5% cuối năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên 2% của Eximbank vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung toàn ngành ngân hàng.
Thêm vào đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của nhà băng này cũng tăng mạnh 84% lên 1.433 tỷ đồng sau 9 tháng. Nợ nhóm 2 tăng vọt cũng là xu hướng chung của nhiều ngân hàng.
Về chỉ tiêu huy động, tiền gửi khách hàng tại Eximbank hết tháng 9 đạt gần 140.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng tín dụng. Riêng trong quý III, ngân hàng không huy động được thêm tiền gửi từ khách hàng.
Đầu tháng 9, Eximbank bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc làm Tổng Giám đốc chính thức sau khi chỉ có quyền tổng giám đốc trong hơn 2 năm qua. Dù đã kiện toàn nhân sự đứng đầu ban điều hành, hoạt động của ngân hàng này vẫn chưa thể cải thiện một sớm một chiều sau những xung đột kéo dài nhiều năm qua giữa các nhóm cổ đông.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/11, thị giá cổ phiếu EIB dừng ở 25.300 đồng/cổ phiếu. Trong một tháng gần nhất, cổ phiếu của Eximbank tăng hơn 15% còn nếu lấy mốc tham chiếu là đầu năm 2021, EIB đã tăng giá hơn 30%.
Việt Đức