Đặt sự chọn lựa giữa vàng và chứng khoán ở thời điểm hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang nhìn thấy sự lấp lánh của vàng. Đặc biệt khi giá vàng đang tăng mạnh nhất từ trước tới nay, nhiều người có xu hướng chuyển từ các kênh đầu tư khác sang vàng.
Vàng đang lấp lánh
Chơi chứng khoán nhiều năm và xem cổ phiếu là một kênh đầu tư nhưng bà Vân Nga (quận 3, TP.HCM) phải lắc đầu khi mức lãi rất nhỏ. “May mắn là tôi còn giữ lại được vốn, chứ không ít người thua lỗ vì thị trường chứng khoán từ đầu năm đến giờ không khởi sắc, thậm chí có thời điểm lao dốc mạnh. Tôi đành rút tiền từ cổ phiếu chuyển sang đầu tư vào vàng” - bà Vân Nga cho biết. Bà Vân Nga còn cảm thấy tiếc nuối không tham gia đầu tư sớm hơn vào vàng vì đến lúc này mức lợi nhuận từ kênh này tăng mạnh.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhìn nhận dù chưa hình thành xu hướng rõ rệt nhưng việc một số nhà đầu tư rút chân khỏi chứng khoán chuyển qua vàng là điều dễ hiểu vì nhà đầu tư luôn hướng đến lĩnh vực có lợi nhuận tốt hơn. Cụ thể là trong khi thị trường chứng khoán lình xình thì vàng đang có những bước tăng tốc hiếm thấy. Đặc biệt, thời gian gần đây giá vàng đã xô đổ mọi kỷ lục và lên mức cao nhất mọi thời đại.
Đơn cử ngày 27/7 vừa qua, giá vàng vọt lên mức đỉnh 1.940 USD/ounce, vượt qua mức đỉnh tháng 9-2011 là 1.920 USD/ounce. Giá vàng thế giới tăng mạnh đẩy giá vàng SJC tại thị trường trong nước tăng vọt trên 58 triệu đồng/lượng, so với mức 49 triệu đồng/lượng vào hồi đầu tháng 7. Mức tăng gần 1 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng cho thấy giá vàng đang hấp dẫn.
“Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm nay diễn biến không mấy tích cực. Nếu vào tháng 2/2020, VN-Index có lúc tiệm cận 900 điểm thì do tác động Covid-19 đẩy chỉ số này vào tháng 3 chỉ còn 640 điểm và giờ đây xoay quanh mốc 800-850 điểm” - ông Hải nói.
Còn theo thống kê của Quỹ đầu tư VinaCapital, riêng trong giai đoạn từ ngày 24 đến 31-7, thời điểm giá vàng tăng lên đỉnh, thị trường chứng khoán đã mất 6,8%.
Nhìn về thời gian dài hơn, trang Goldprice cho biết, nếu nắm giữ vàng cách đây 5 năm thì nhà đầu tư có mức lãi 885 USD/ounce, tương đương 25 triệu đồng/lượng. Còn nắm giữ trong vòng một năm lãi 553 USD/ounce, tương đương khoảng 15,6 triệu đồng/lượng.
Chính vì lý do này mà không chỉ tại Việt Nam mà trên thị trường quốc tế, vàng cũng là kênh đầu tư được quan tâm. Hãng tin Bloomberg dẫn một nghiên cứu của Quỹ đầu tư chiến lược Invesco (Mỹ) cho thấy dưới sự lấp lánh của vàng, trong 12 tháng tới, 1/3 quỹ tài sản sẽ giảm tỉ trọng cổ phiếu chuyển danh mục đầu tư vàng.
Giá vàng tăng sốc trong thời gian qua nhưng cũng có thể lao dốc bất cứ lúc nào. Ảnh: TL
Coi chừng những yếu tố bất ngờ
TS Nguyễn Thị Mỹ Linh, giảng viên tài chính ĐH RMIT, nhìn nhận tại Việt Nam vàng luôn là một trong những kênh đầu tư truyền thống. Khi giá vàng tăng mạnh sẽ dẫn đến một dòng vốn chuyển vào vàng, từ đó có thể gây nhiều tác động đến nền kinh tế.
Ví dụ nó làm giảm tính thanh khoản của thị trường chứng khoán vì nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn từ chứng khoán sang vàng. Các kênh đầu tư khác như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đặc biệt, các khoản tiền lớn chảy vào vàng cũng có thể gây tổn hại đến việc huy động vốn của ngân hàng. Điều này có nghĩa là người dân sẽ ít gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng vì lãi không hấp dẫn bằng vàng, do đó dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ khó vay tín dụng hơn.
Bởi vậy cơ quan chức năng cần theo dõi sát và đánh giá được đúng sự dịch chuyển của dòng tiền vào thị trường vàng để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường.
TS Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng cảnh báo xu hướng giá vàng hiện không chắc chắn lắm vì nó phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và sự hồi phục của nền kinh tế thế giới.
“Do đó, các nhà đầu tư phải hết sức cẩn trọng, không nên tập trung đầu tư quá nhiều vào vàng, mà nên đa dạng hóa các danh mục đầu tư khác. Đặc biệt hết sức rủi ro cho những người sử dụng đòn bẩy tài chính, vay tiền để đầu tư vào vàng” - TS Linh khuyến nghị.
Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital Andy Ho cũng đánh giá dịch bệnh Covid-19 đã quay lại và lan truyền trong cộng đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại bắt đầu mua vào hàng chục tỉ USD, đảo ngược xu hướng bán ròng trong những tuần vừa qua để cơ cấu lại danh mục đầu tư dựa trên tận dụng lợi thế từ việc giảm điểm trước đó của thị trường.
Ông Andy Ho cũng cho rằng, để duy trì động lực cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Nhà nước nên giảm thuế cho các doanh nghiệp trong 1-2 năm tới để thúc đẩy lợi nhuận và tăng trưởng; tiếp tục thực hiện biện pháp lãi tiền gửi thấp trong hệ thống ngân hàng nhằm khuyến khích nhà đầu tư trong nước đổ tiền vào chứng khoán. Khi nguồn vốn từ thị trường chứng khoán được đưa vào nền kinh tế sẽ giúp nhiều cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thay vì đổ tiền vào vàng.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác phân tích giá vàng tăng đột biến, song cần lưu ý rằng tại Việt Nam, trong những năm gần đây vàng gần như không còn được coi là một kênh đầu tư, tiết kiệm hấp dẫn.
Đáng lo ngại là hiện giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới vốn mang nặng tính đầu cơ. Mặt khác, để giảm rủi ro, các công ty kinh doanh vàng có thời điểm kéo giãn khoảng cách giữa giá mua và giá bán lên đến gần 2 triệu đồng. Nghĩa là người bán đang đẩy rủi ro về phía người mua.
“Giá vàng đã tăng rất nóng và kinh nghiệm cho thấy không có loại hàng hóa nào chỉ có lên mà không xuống. Trong quá khứ, không ít nhà đầu tư đã phải trả giá đắt vì đầu tư lúc vàng lên cơn sốt. Đơn cử giai đoạn 2012-2015 vàng bị mất giá đến hơn 40%, nhiều người lỗ nặng” - một chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Kênh huy động, phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho hay tính đến cuối năm 2019, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HOSE đạt hơn 3,28 triệu tỉ đồng, tương đương 54,3% GDP. Hơn 2,3 triệu tài khoản nhà đầu tư đã đóng vai trò quan trọng vào thành công của thị trường chứng khoán, giúp thị trường này thực hiện tốt vai trò kênh huy động và phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Đến nay, trên sàn chứng khoán TP.HCM đã có 23 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỉ USD niêm yết, trong đó có 10 ngân hàng.
Theo Phương Minh
Pháp Luật TPHCM