PGS.TS Lê Thanh Tâm, Trưởng bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, đã trao đổi với phóng viên Dân trí như vậy khi đề cập tới mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hiện nay.
PGS.TS Lê Thanh Tâm, Trưởng bộ môn ngân hàng thương mại, Viện ngân hàng tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Bà đánh giá thế nào về việc ngân hàng giảm lãi suất, cắt giảm phí, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ... trong bối cảnh doanh nghiệp lao đao trong thời Covid-19 hiện nay?
- Tôi rất hoan nghênh các động thái hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng.
Thứ nhất, đối với NHNN thì theo Luật NHNN năm 2010, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN không có nội dung nào trực tiếp yêu cầu phải có các chính sách để hy sinh lợi nhuận của ngành, hỗ trợ nền kinh tế. NHNN là một trong những cơ quan của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy vậy, NHNN là một trong những cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên có các chính sách rất cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế khi Covid-19 bắt đầu xảy ra từ đầu năm 2020 với Thông tư 01 và sau đó bổ sung nhiều quy định về giảm phí, giãn nợ….. Tôi nghĩ NHNN đã luôn hỗ trợ Chính phủ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, thị trường để ban hành các chính sách về giảm lãi suất, cắt giảm phí, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ... trong bối cảnh doanh nghiệp lao đao trong thời Covid-19.
Thứ hai, đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), theo luật các TCTD 2010, ngân hàng thương mại hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Do vậy, trong đại dịch Covid-19, ngân hàng hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để có lợi nhuận cao hơn. Các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng có quyền tự quyết trong kinh doanh trong khuôn khổ chính sách của NHNN và các cơ quan quản lý khác. Do vậy, có thể thấy trong các TCTD có sự khác nhau trong thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, cắt giảm phí, giãn nợ…
Một số tổ chức thực hiện nhiều hơn, trong khi một số khác còn chưa thực hiện được với quy mô lớn. Điều này phụ thuộc nhiều vào loại khách hàng. Ví dụ, chỉ các khách hàng chịu tác động xấu của Covid-19 mới giảm lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… và trách nhiệm xã hội của tổ chức.
Để giảm lãi suất, các ngân hàng cho biết họ đã phải hy sinh lợi nhuận, tuy nhiên giới doanh nghiệp lại cho rằng mực độ giảm chưa tương xứng, chưa có ý nghĩa nhiều đối với những khó khăn của doanh nghiệp. Vậy bà đánh giá thế nào về mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay?
- Phải nói một cách công bằng là cả hai bên ngân hàng và doanh nghiệp đều đúng trên quan điểm của họ.
Về phía các doanh nghiệp, theo tôi đánh giá, hầu hết doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, chỉ một số đơn vị đặc thù thì được hưởng lợi từ Covid-19 để gia tăng hoạt động, tăng thu nhập, mở rộng thị phần rất lớn. Các doanh nghiệp này chắc chắn không kêu ca gì về lãi suất hoặc các điều kiện. Còn với phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí một số doanh nghiệp còn phải dừng hoạt động vì thu không đủ bù chi. Với trường hợp như vậy, lãi suất kể cả gần bằng 0 như đối với một số quốc gia phát triển thì vẫn còn cao.
Thậm chí trong một số trường hợp, tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua cho không, không đòi lại thì doanh nghiệp vẫn không trụ được. Tín dụng ngân hàng dựa trên nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi. Tức là doanh nghiệp phải có vốn để kinh doanh có lãi, bù đắp mọi chi phí, thu lại được cả gốc và trả lãi. Như vậy, lãi suất giảm chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp vẫn còn tương đối khỏe, có cơ hội kinh doanh có lãi và biến được cơ hội đó thành doanh thu.
Với các doanh nghiệp đã quá yếu hoặc dừng hoạt động, lãi suất giảm không hề có tác dụng vì họ không hấp thu được vốn. Trong trường hợp này, tái cơ cấu doanh nghiệp, hoặc các hỗ trợ hiện tại như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ có tác dụng nhiều hơn.
Về phía ngân hàng thì ngân hàng cho vay dựa trên nguồn vốn huy động tiền gửi. Do vậy, nguyên tắc cốt lõi của ngân hàng khi cấp tín dụng là phải thu hồi đủ vốn để trả cho người gửi tiền và có lãi để bù đắp các chi phí, rủi ro trong hoạt động. Đặc biệt, khi giữ nguyên nhóm nợ hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại vẫn phải giữ mức dự phòng rủi ro tín dụng trong trường hợp các khoản nợ này chuyển thành nợ xấu. Hơn nữa, ban điều hành ngân hàng thương mại, đặc biệt với các ngân hàng thương mại cổ phần, vẫn phải chịu áp lực tạo lợi nhuận cao từ các cổ đông.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang có NIM trung bình 3,618% và chi tiết khác nhau tùy từng loại khách hàng. Theo tôi, mức NIM hiện nay của Việt Nam ở mức trung bình so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực (ví dụ NIM trung bình tại Mỹ là 3,3%, tại UK là 2,6%, tại châu Âu từ 1,8-3,3%, tại Malaysia là từ 1,52-4,94%; Thái Lan từ 2-3,5%). Bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng nhìn nhận lãi suất hiện nay không cao và một số NHTM đã giảm lãi suất nhiều lần cho khách hàng. Tuy vậy mức độ giảm cũng khác nhau giữa các ngân hàng, các khách hàng.
Có một số NHTM công bố lợi nhuận tăng cao trong giai đoạn vừa qua. Điều này có vẻ phản cảm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, lợi nhuận này tăng do nhiều nguyên nhân như tăng các khoản thu phi lãi, chưa xác định hết chi dự phòng, tính dự thu mà chưa phải thực thu.
Do vậy, theo tôi, câu trả lời đối với mặt bằng lãi suất hiện nay là cả hai bên cần hiểu nhau hơn để chia sẻ và có được sự thỏa thuận tốt nhất về lãi suất.
Với những ngân hàng có CASA cao, thu phí lãi cao và hệ thống quản trị rủi ro tốt hoàn toàn có thể hạ lãi suất xuống 0,5-1,5%, chấp nhận giảm NIM để giữ được các khách hàng tốt, tìm được các khách hàng tiềm năng, xây dựng uy tín thương hiệu có trách nhiệm cao với cộng đồng.
Với khách hàng, hiểu cách thức định giá tín dụng của ngân hàng để thỏa thuận về lãi suất thấp nhất có thể. Khi sử dụng dịch vụ tín dụng tại ngân hàng nào thì tập trung các dịch vụ khác như thanh toán, quản lý hộ tài sản, L/C…. cùng về một mối tại ngân hàng đó để tăng tổng quy mô giao dịch và có ưu thế và sức mạnh thương lượng với ngân hàng. Từ đó có thể giảm lãi suất vay vốn và miễn phí nhiều dịch vụ.
Theo đánh giá của bà, vốn ngân hàng và việc vốn vay đối với các doanh nghiệp hiện nay có điểm nghẽn không? Vì sao?
- Trên quan điểm ngân hàng, không ngân hàng nào muốn vốn bị ứ đọng. Ngân hàng là trung gian tài chính. Ngân hàng có nguyên tắc là nếu khách hàng vay tốt, sẽ cho vay tối đa đáp ứng nhu cầu, và sẽ tìm các nguồn vốn khác nhau để đáp ứng nhu cầu đó (tiếng Anh là: customer relationship doctrine). Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tiền gửi giảm nhưng quy mô tiền gửi vẫn gia tăng, ngân hàng nếu để ứ đọng vốn sẽ vẫn phải trả lãi suất huy động, giảm thu nhập.
Tuy vậy, tại sao ngân hàng không cho vay 100% doanh nghiệp có đơn đề nghị vay vốn. Vì nguyên tắc quan trọng nhất của ngân hàng là vay phải trả đầy đủ cả gốc và lãi. Tức là doanh nghiệp vay phải sử dụng vốn có hiệu quả. Ngân hàng không cho vay để đảo nợ, hoặc cho doanh nghiệp vay để chi trả lương mà không phải cho đầu tư. Hơn nữa, không phải dự án nào của doanh nghiệp cũng có hiệu quả.
Có những dự án dự kiến là hiệu quả, nhưng nếu môi trường kinh doanh thay đổi (như Covid-19, chuỗi cung ứng gián đoạn, chiến tranh xảy ra với thị trường nước ngoài…), dự án đó thất bại. Vì vậy, để đảm bảo thu hồi đủ cả gốc và lãi, ngân hàng còn yêu cầu tài sản bảo đảm có giá trị cao để phòng ngừa rủi ro.
Do vậy, điểm nghẽn luôn xảy ra với các doanh nghiệp: không có dự án vay rõ ràng, hiệu quả; tài sản bảo đảm không có hoặc không đủ; vay để trả nợ; hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ phá sản.
Trên thực tế có khá nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất vẫn cao, không được ngân hàng hỗ trợ lãi suất, rằng "lên ti vi mà nhận hỗ trợ lãi suất"... bà đánh giá vấn đề này thế nào?
- Người xưa có câu: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng" và "tiên trách kỷ hậu trách nhân". Doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, có sức mạnh thương lượng tốt, hiểu bản chất hoạt động và công tác định giá lãi suất của ngân hàng dựa trên những cơ sở gì, thì sẽ nhận được hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn dễ dàng. Thậm chí các ngân hàng còn cạnh tranh khốc liệt để có được các khách hàng này. Một số ngân hàng thậm chí còn chấp nhận hòa vốn để giữ chân các khách hàng quan trọng này.
Còn những khách hàng doanh nghiệp không hiểu những vấn đề trên, việc tiếp cận vốn vay đương nhiên gặp khó khăn, công tác nhận hỗ trợ lãi suất đương nhiên là xa vời, thậm chí còn bị từ chối không được cấp tín dụng, hoặc cấp tín dụng với lãi suất cao để bù đắp rủi ro. Điều này đúng với mọi doanh nghiệp và ngân hàng ở mọi quốc gia.
Nguyễn Hiền