Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Doanh nghiệp khó xoay tiền trả nợ trái phiếu, nhà đầu tư cần làm gì?

Việt Đức
Việt Đức

Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nên bình tĩnh, có thể chấp nhận cho đơn vị phát hành gia hạn trả nợ với một số điều kiện đi kèm nếu có thiện chí.

Cần đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân

Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, yêu cầu các doanh nghiệp này đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Theo cơ quan này, doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư và trên thị trường.

Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, không gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi bên lề sự kiện Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh đang diễn ra ở TPHCM liên quan đến việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven cho rằng có 3 vấn đề cần được ưu tiên giải quyết hiện nay. 

Đầu tiên, quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân - những người mua trái phiếu doanh nghiệp nhưng không có kinh nghiệm - cần được đảm bảo. Thứ hai, cần cho phép những doanh nghiệp phát hành trái phiếu "đàng hoàng, có thiện chí" nhưng gặp khó khăn được cơ cấu lại các khoản nợ với một số điều kiện đi kèm cho trái chủ như lãi suất, quyền chọn bán, chọn mua, tài sản thế chấp .Cuối cùng, ông Scriven cho rằng không nên hình sự hóa những vấn đề thuần túy về kinh tế. 

Cũng theo ông Dominic, thanh khoản là vấn đề trước mắt của thị trường trái phiếu, có thể khắc phục được. "Nhà đầu tư mua trái phiếu không nên hoang mang. Có hai vấn đề khi đầu tư trái phiếu là thanh khoản và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Thanh khoản là yếu tố nhất thời, nhà đầu tư nên bình tĩnh" ông Dominic nói với Dân trí. 

 

Trong báo cáo cập nhật tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành, bộ phận nghiên cứu của FiinRatings cũng đưa ra 3 gợi ý về phương án tái cấu trúc nợ.

Đầu tiên, doanh nghiệp có thể gia hạn kỳ trả nợ có thanh toán một phần nếu thật sự có năng lực, mong muốn đáp ứng nghĩa vụ với trái chủ nhưng gặp khó khăn trong ngắn hạn, muốn giãn nợ để vượt qua giai đoạn này. Nhà phát hành cần chủ động thông tin tới trái chủ về tình hình kinh doanh, thực hiện dự án và tiến độ trả nợ, cũng như đưa ra mức lãi suất "đền bù" phù hợp.

Phương án thứ hai là gia hạn kỳ hạn trả nợ không thanh toán gốc trong trường hợp nhà phát hành gặp khó khăn lớn không thể đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Lúc này, nhà đầu tư trái phiếu có thể cần phải chấp nhận một mức chiết khấu nhất định để dự án có thể hoàn thành. Việc phải chấp nhận giãn hoặc hoãn toàn bộ phần nợ gốc vẫn có thể duy trì cơ hội cho trái chủ thu lại phần tiền gốc và lãi trong tương lai tùy theo thực tế. Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án và đàm phán với trái chủ trước khi đến hạn thanh toán. 

Cuối cùng là giải pháp "hàng đổi hàng", tùy vào hoạt động kinh doanh và sản phẩm của doanh nghiệp. Nhà đầu tư trái phiếu có thể đồng ý với hình thức này nếu có đầy đủ thông tin và tài sản được sử dụng để hoán đổi. 

Tạo thuận lợi cho trái phiếu phát hành ra công chúng

Về các giải pháp mang tính dài hạn, ông Ketut Kusuma - chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam - cho rằng các quy trình, thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cần được thay đổi theo hướng thuận lợi, nhanh chóng hơn cho doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp cảm thấy kênh phát hành trái phiếu ra công chúng vừa nhanh, vừa hiệu quả, họ sẽ chọn kênh này thay vì phát hành riêng lẻ.

Theo quy định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng có thể tiếp cận mọi nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân, được giám sát bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng thời gian, thủ tục kéo dài khiến doanh nghiệp ngần ngại và chọn phương thức phát hành riêng lẻ. 

 

Ông Kusuma cũng cho rằng cần có giải pháp thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu. Ví dụ, nếu ngân hàng hay các công ty bảo hiểm chỉ được mua những trái phiếu doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm hoặc giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đã được xếp hạng tín nhiệm phải nhiều hơn trái phiếu chưa được xếp hạng sẽ khiến nhu cầu về xếp hạng tín nhiệm từ chính các nhà phát hành tăng lên.

Theo ông Kusuma, thị trường thiếu các trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm. Thực tế này dẫn đến giảm tính minh bạch của thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư khó tiếp cận được nhiều thông tin về doanh nghiệp.

 

"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vốn chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ở hầu hết các nước, nhà đầu tư chuyên nghiệp thường là các tổ chức và những cá nhân có kinh nghiệm, trình độ rất cao về tài chính", ông Kusuma chia sẻ.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn để được công nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Việt Nam theo ông Kusuma vẫn còn thấp. Có thể về mặt giấy tờ, một số người đủ điều kiện được công nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng họ không đủ khả năng phân tích được tình hình của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nghị định 65 mới được ban hành đã đặt ra một số điều kiện mới về công nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng chuyên gia của WB cho rằng tiêu chuẩn này vẫn còn có thể được nâng cao hơn nữa.

Việt Đức

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.