Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Dịch vụ đổi tiền lẻ cận Tết, giá "chát" hơn sung

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đổi tiền lẻ cận Tết phí cao, thậm chí 10 chỉ "ăn" 6. Dù kinh doanh tiền tệ trái phép có thể bị tịch thu nhưng hoạt động này rất khó kiểm soát...

Ngân hàng siết, chợ online nở rộ

Những ngày gần Tết Tân Sửu, trên mạng xã hội, các "chợ online" nhộn nhịp trao đổi, mua bán tiền lẻ, tiền mới với đủ lời quảng cáo: Giá tốt nhất Hà Nội, Phí đổi tiền lẻ chỉ từ 5%, Giao hàng miễn phí, Uy tín chất lượng…

Các dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới này có đủ các mệnh giá từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng… đến 500.000 đồng với cam kết tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri hoặc là tiền "lướt" mới 99%.

Về phí, tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng chịu phí tương đối "chát" là 20%, mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng từ 5-10%, mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng là 3-6%, còn loại tiền mệnh giá 500.000 đồng có phí rẻ nhất khoảng 3%.

Dịch vụ đổi tiền lẻ cận Tết, giá chát hơn sung - 1

Đổi tiền lẻ công khai, rầm rộ. Ảnh chụp màn hình

"Đảm bảo tiền mới 100%, nguyên kiện, nguyên seri. Nếu đổi số lượng càng lớn thì sẽ giảm thêm phí và ship miễn phí đến tận nơi", một chủ shop trên trang facebook "doitienle" còn nhấn mạnh "nhu cầu bao nhiêu cũng có".

Riêng với loại tiền mệnh giá cực nhỏ như 200 đồng và 500 đồng, thanh niên này cho biết hiện rất ít người đổi vì đi chùa cũng chủ yếu dùng loại tiền mệnh giá từ 1.000 đồng trở lên. Do đó, loại tiền này ít lưu thông và nếu có giá cũng rất "chát" khoảng 10 "ăn" 6.

Tại nhiều trang mạng xã hội khác, phí đổi tiền lẻ cũng trong khoảng 5-30% tùy mệnh giá. Nhu cầu phổ biến nhất là loại tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng.

Tờ tiền đô-la 2 USD may mắn hiện cũng có giá như các năm trước là 50.000 đồng/tờ.

Liên hệ với nhân viên quầy của một ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung có trụ sở Hà Nội, nhân viên này cho biết đến lúc này vẫn chưa có tiền lẻ về. Cũng theo nhân viên này, Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt với hoạt động đổi tiền lẻ dịp Tết 2021. Theo đó, từ năm 2021, Sở giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không đổi tiền mới cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ của Ngân hàng Nhà nước.

"Tiền lẻ ngày càng bị siết chặt. Số lượng mỗi nhân viên cũng chỉ được phân phát. Mà phải sát Tết mới có", nhân viên này nói. Cũng như năm trước, nhân viên này cũng đăng ký số lượng để phục vụ các khách VIP của mình như một cách chăm sóc vào những dịp đặc biệt trong khi "người thân, bạn bè nhờ có khi cũng không có".

Kinh doanh tiền tệ trái phép có thể bị tịch thu

Ông Tô Sơn Hồng, đội trưởng Đội Quản lý thị trường quận Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, hàng năm, vào những ngày giáp Tết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản về việc phối hợp kiểm tra kiểm soát để ngăn chặn việc kinh doanh tiền tệ trái phép hay hoạt động chuyển tiền, đổi tiền lẻ "ăn gian ăn lận như 10 lấy 7 hay 8".

Việc kiểm tra sẽ được thực hiện trực tiếp bằng việc theo dõi, bắt quả tang hoặc gián tiếp thông qua giao dịch trên mạng xã hội và truy vết…

Từ đó, nếu chứng minh được gian lận thương mại tiền tệ thì phải xung công nhà nước với việc thu lợi bất chính. Ví dụ, đổi 10 triệu nhưng khách lấy về 8 triệu còn đối tượng đổi ăn gian 2 triệu đồng thì số tiền này bị quy vào thu lợi bất chính và phải xung công, đồng thời xử phạt hành chính theo quy định.

Mức tiền xử phạt hành vi kinh doanh trái phép này sẽ theo luật ngân hàng quy định về việc trao đổi tiền tệ trái phép theo nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng, việc kiểm soát hoạt động này cũng chỉ dùng ở những vụ việc lớn, còn những vụ nhỏ lẻ khó kiểm soát bởi chính người dân cũng tự tìm đến họ và che giấu thông tin hoặc hoạt động này diễn ra ở những người quen biết với nhau…

Theo C. Sơn - H. Hạnh

Giao thông