Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng phải được ghi âm và lưu lại ít nhất 5 năm.
Đồng thời, với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải xác nhận việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là tự nguyện.
Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng phải phối hợp với ngân hàng để rà soát, xử lý khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên ngân hàng và xử lý sai phạm nếu có.
Định kỳ hàng tháng, ngân hàng và doanh nghiệp có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do ngân hàng thực hiện.
Nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng có thể phải được ghi âm. |
Nội dung trên được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Thông tư, nhằm quản lý hoạt động bán chéo bảo hiểm trong bối cảnh kênh bancassurance ngày càng nở rộ. Nhiều khách hàng phản ánh việc bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ kèm khoản vay.
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng đã có văn bản yêu cầu ngân hàng xử lý nhân viên ép khách vay vốn mua bảo hiểm, sau khi nhận được phản ánh về việc doanh nghiệp muốn vay vốn thì phải mua bảo hiểm mới được xem xét cho vay.
Hầu hết ngân hàng hiện nay đều có hoạt động bancassurance - phân phối bảo hiểm của công ty bảo hiểm cho khách hàng. Việc bán bảo hiểm ngày càng được đẩy mạnh trong bối cảnh yêu cầu vốn ngày càng khắt khe và khó cho vay do cạn room tín dụng. Khi tín dụng bị thắt chặt, việc bán bảo hiểm được thúc đẩy mạnh hơn để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên, cũng như tăng thêm thu nhập cho chính ngân hàng.
Thảo Thu