Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Đã có ngân hàng huy động vốn lãi suất lên đến 8,4%/năm

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Trong bối cảnh các ngân hàng "chạy đua" tăng lãi suất đầu vào để thu hút dòng vốn nhàn rỗi, đã có ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,4%/năm.

Ngày 3/10, Ngân hàng Bản Việt cho biết vừa triển khai sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm.

Theo đó, khách hàng chỉ cần gửi từ 10 triệu đồng là có thể tham gia sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với nhiều kỳ hạn linh hoạt và hưởng mức lãi suất cao. Nếu nhận lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất lần lượt từ 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 - 9 - 12 - 15 tháng.

Đặc biệt với kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất nhận được là 8,4%/năm. Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi.

"Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, vẫn được hưởng mức lãi suất cạnh tranh so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và khoản tiền gửi" - đại diện Bản Việt nói.

Theo ghi nhận, đây có thể là mức lãi suất huy động vốn nằm trong tốp cao nhất của các ngân hàng thương mại đến thời điểm này. Trước đó, mức lãi suất huy động vượt 8%/năm được ghi nhận là 8,2%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm dài.

Đến thời điểm này, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, bao gồm cả các ngân hàng thương mại nhà nước kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức tăng trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên 5%/năm, như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB, Sacombank, ACB, Techcombank, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBANK… Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Xu hướng tăng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng vẫn chưa dừng lại, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, tính đến 20-9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%.

Tín dụng tăng nhanh đã gây áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng. Trong báo cáo chiến lược quý IV/2022, Công ty chứng khoán ACBS cho rằng hạn mức tín dụng đã được nới thêm khoảng 2% trong quý III và được kỳ vọng sẽ nới thêm 2% nữa trong quý cuối năm. Đồng thời, việc bán USD của Ngân hàng Nhà nước để cố gắng kiểm soát tỉ giá sẽ làm gia tăng áp lực thanh khoản của đồng VND.

Giải ngân đầu tư công kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm, từ đó số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm xuống…

Những yếu tố trên khiến ACBS cho rằng các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động thêm 0,5 điểm % đến cuối năm 2022 và tăng tổng cộng 1 điểm % trong cả năm nay để tăng cường nguồn vốn huy động.

Theo Thái Phương
Người Lao Động