Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Covid-19 đe doạ, nhiều nước tung gói kích cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Mai Chi
Mai Chi

Riêng ở Việt Nam, hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn.

 

Theo cập nhật của BVSC, để ngăn ngừa kinh tế suy giảm dưới tác động của dịch cúm COVID-19, ngân hàng trung ương một số nước trong khu vực đã đưa ra các gói kích cầu.

Từ đầu tháng 02 đến nay, chính phủ Trung Quốc và ngân hàng Trung ương của nước này đã có một loạt các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế cũng như để trấn an tâm lý của các nhà đầu tư.

Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã bơm 1.700 tỷ nhân dân tệ vào thị trường tài chính thông qua nghiệp vụ repo ngược và hạ lãi suất cho vay với các khoản vay 1 năm giảm 0,1% còn 4,05%, từ 1 đến 5 năm giảm 0,05% còn 3,25% và 5 năm giảm 0,05% còn 4,75%.

Chính phủ Singapore đưa ra 2 gói kích thích kinh tế với tổng quy mô 5,6 tỷ đôla Singapore nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Gói hỗ trợ này cao hơn 24 lần gói kích thích kinh tế khi xảy ra dịch SARS.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất cơ bản từ 1,25% về 1%/năm, mức thấp kỷ lục và là lần cắt giảm thứ ba trong năm cuộc họp gần nhất, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế dưới áp lực hạn hán và sự bùng nổ của COVID-19 gây ra.

Ngân hàng Trung ương Philippines cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75%.

Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất. Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,05 - 0,2 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn.

Eximbank niêm yết biểu lãi suất mới có điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12, 18 và 36 tháng. VPBank cũng điều chỉnh giảm 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên. ACB giảm 0,2% với các kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng so với biểu lãi suất tháng 01/2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn.

Mai Chi