Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam đã làm tốt trong việc xử lý lạm phát

Thảo Thu
Thảo Thu

GS.TS Andreas Hauskrecht, Chuyên gia kinh tế tại Mỹ đánh giá Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý của Việt Nam đã ứng phó tốt trước những tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát.

Nhận định được đưa ra tại Hội thảo quốc tế thường niên mới đây, dành cho các nhà khoa học trẻ khối trường kinh tế và kinh doanh (ICYREB) với chủ đề "Sức chống chịu, khả năng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế", do Đại học Kinh tế - Đại Học Quốc Gia Hà Nội tổ chức.

Dù dịch bệnh từng bước được kiểm soát sau hơn 2 năm, nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu với mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề lạm phát. Việc triển khai quyết liệt hơn các giải pháp tăng cường sức chống chịu cho nền kinh tế là điều cần thiết và cấp bách hiện nay. Các chuyên gia cho rằng một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển và vận hành hiệu quả các thị trường quan trọng, khai thác nội lực, phát triển nền kinh tế ở trong nước, đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tại Việt Nam, để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành thêm 1%, có hiệu lực từ 25/10. Trước đó vào cuối tháng 9, cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã tăng một số mức lãi suất điều hành thêm 1%.

GS.TS Andreas Hauskrecht, chuyên gia kinh tế hiện giảng dạy tại Trường Kinh doanh Kelley, thuộc Đại học Indiana của Mỹ nhận định, Việt Nam đã làm tốt trong việc xử lý lạm phát, đặc biệt đánh giá cao các quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Ông đánh giá lạm phát cơ bản tại Việt Nam ở mức thấp và ổn định.

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: EUB).

GS. Hauskrecht nhận định, tới thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thay đổi chính sách tiền tệ và giảm lãi suất, Việt Nam sẽ có thêm dư địa để đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn. Theo ông, Việt Nam trước mắt cần giữ lãi suất ở mức ổn định, chính sách tài khóa hợp lý và chính sách tiền tệ thận trọng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp với bình quân 9 tháng năm 2022 ở mức 2,73%. Trong khi đó, con số này tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước ở châu Á như Thái Lan, Indonesia… tăng cao. Tại Mỹ, lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 lên tới 8,3%. 

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,2% trong năm nay, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

GS. Hauskrecht nhận định tới thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thay đổi chính sách tiền tệ và giảm lãi suất, Việt Nam sẽ có thêm dư địa để đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn. Theo ông, Việt Nam trước mắt cần giữ lãi suất ở mức ổn định, chính sách tài khóa hợp lý.

PGS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam, đồng tình với ý kiến của GS. Hauskrecht. Chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam nên duy trì chính sách tiền tệ hiện nay. Thêm vào đó, Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách đầu tư cởi mở cũng như chính sách tự do thương mại.

Thảo Thu