Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Chỉ 2 cổ đông nắm trên 1% vốn LPBank

Theo danh sách cổ đông LPBank công bố, khoảng hơn 90% cổ phần của ngân hàng thuộc nhóm các cổ đông nhỏ lẻ, sở hữu chưa tới 1% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB) vừa công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan. Danh sách "những người có liên quan" của cổ đông được mở rộng so với trước, gồm cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con rể, anh chị em vợ, anh chị em chồng, anh em chị dâu, ông bà nội ngoại, dì bác cô chú...

Thông tin cho thấy chỉ 2 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng.

VNPost đang nắm giữ 167,2 triệu cổ phiếu LPBank, tương ứng 6,54% vốn điều lệ ngân hàng. Ngoài ra, người liên quan của cổ đông này cũng sở hữu khoảng hơn 200.000 cổ phiếu LPB, chưa đến 0,009% vốn ngân hàng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch LPBank là cổ đông còn lại, sở hữu hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,77% vốn ngân hàng. Người có liên với ông Thụy nắm số lượng cổ phiếu không đáng kể, chỉ 3.900 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,0002%.

Như vậy, theo danh sách trên, khoảng hơn 90% cổ phần của LPBank thuộc nhóm các cổ đông nhỏ lẻ, sở hữu chưa tới 1% vốn điều lệ ngân hàng.

LPBank chỉ có 2 cổ đông nắm trên 1% vốn ngân hàng (Ảnh: LPB).

Tháng 7, LPBank hoàn tất việc đổi tên từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam. Theo lãnh đạo ngân hàng, điều này nhằm hiện thực hóa chiến lược thay đổi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và mang lại thịnh vượng cho cộng đồng. Ngoài ra, trong quan niệm của người Á Đông hai chữ "lộc, phát" tượng trưng cho phát triển, tài lộc và may mắn.

Từ năm ngoái, ngân hàng này đã đổi nhận diện thương hiệu, từ LienVietPostBank thành LPBank, sau khi Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn.

Những thay đổi về thương hiệu và nhân sự cũng diễn ra sau khi ông Nguyễn Đức Thụy lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thụy được bầu vào Hội đồng quản trị LPBank từ cuối tháng 4/2021 và làm Phó chủ tịch ngân hàng khoảng một tuần sau đó. Ông được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị vào cuối năm 2022.

Về kết quả kinh doanh, quý II/2024, LPBank công bố lợi nhuận sau thuế đạt 2.421 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ.

Theo đó, thu nhập lãi và các khoản tương tự đạt 8.117 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp, chi phí lãi của ngân hàng đạt 4.472 tỷ đồng, giảm mạnh 23% so với cùng kỳ. Từ đó dẫn đến thu nhập lãi thuần đạt 3.644 tỷ đồng, tăng gần 50%.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 193%, đạt 959 tỷ đồng. Chi phí dịch vụ tăng nhẹ 18%, lên 92 tỷ đồng. LPBank báo lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 866 tỷ đồng, tăng 248% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động ở mức 1.247 tỷ đồng, giảm 16%, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 554 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận LPBank đạt 4.720 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng này đã thực hiện được 56% kế hoạch đặt ra năm nay.

Thảo Thu