Điều này trở thành thách thức lớn đối với kế hoạch mở rộng của họ ở khu vực đang phát triển nhanh hơn hầu hết các nơi khác này.
Được tăng lương nhưng vẫn bỏ việc
Các nhà tuyển dụng và lãnh đạo doanh nghiệp cho biết làn sóng "di cư" này có phần khó ngăn chặn hơn so với ở New York và London.
Tại những trung tâm tài chính lớn nhất châu Á, các nhân viên trẻ có nhiều khả năng rời bỏ công việc hiện tại vì họ nghĩ bản thân có thể kiếm được nhiều tiền hơn và leo lên vị trí cao nhanh hơn tại một công ty fintech hay quỹ đầu tư nào đó. Những công ty kiểu này đang mọc lên nhan nhản nhằm khai thác sự sôi động của các nền kinh tế cũng như đà tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản của khu vực châu Á.
Ngành ngân hàng đang gặp khó trong việc giữ chân nhân viên (Ảnh: Getty Creative).
Thách thức đặc biệt gay gắt ở Trung Quốc và Hồng Kông. Các công ty nước ngoài tăng cường tuyển dụng tại đây để tận dụng việc nền kinh tế lớn nhất châu Á đang mở cửa thị trường tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài.
"Cả ngành ngân hàng đang gặp phải vấn đề rất lớn về cung và cầu. Tôi không nghĩ nó sẽ sớm được giải quyết", Mark Leung - CEO chi nhánh ở Trung Quốc của JPMorgan Chase & Co - trả lời Bloomberg Television. Ngân hàng này cùng với Goldman Sachs, Credit Suisse và HSBC đang tuyển dụng hàng trăm nhân viên cho kế hoạch đẩy mạnh phát triển tại Trung Quốc.
Theo kết quả thăm dò không chính thức của Bloomberg News với lãnh đạo của 4 công ty chứng khoán toàn cầu, khoảng 13 - 15% chuyên gia phân tích của mảng ngân hàng đầu tư và cộng sự đã bỏ việc trong năm nay, gần gấp đôi mức trung bình của những năm trước. Con số này cũng ngang với ước tính cho thị trường Mỹ và cao hơn ở Anh.
Tỷ lệ nghỉ việc tăng dù lương hàng năm đã tăng 25 - 30% kể từ năm 2019 đối với các nhân viên ngân hàng ở Hồng Kông phụ trách các lĩnh vực như công nghệ và y tế. Còn ở Đông Nam Á, lương hàng năm tăng chậm hơn một chút nhưng tỷ lệ nghỉ việc cũng đang tăng lên.
"Chất xám" đang chảy về đâu?
Jonathan Lam rời mảng ngân hàng đầu tư của HSBC ở Hồng Kông vào giữa năm ngoái để thành lập Butler, một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa, từ dọn nhà đến sửa máy giặt và tổ chức tiệc tối. Lam cho biết cái cảm giác bản thân có thể tạo ra ảnh hưởng và sở hữu một thứ gì đó chính là động lực để anh từ bỏ công việc tại ngân hàng ngay sau khi được thăng chức.
"Với ngân hàng, bạn có thể có một khoản thu nhập tốt trong ngắn hạn, còn với startup, nếu bạn lăn lộn với nó, nó sẽ mang về cho bạn một khối tài sản lớn", Lam, 30 tuổi, nói. Công ty khởi nghiệp của Lam vừa hoàn thành một vòng gọi vốn vào năm ngoái và hiện có 30 nhân viên.
Sự trỗi dậy về kinh tế đã giúp châu Á trở thành một trong những khu vực hấp dẫn nhất thế giới đối với giới doanh nhân. Tỷ lệ đầu tư toàn cầu vào khối doanh nghiệp khởi nghiệp châu Á tăng lên khoảng 40% trong giai đoạn 2015 - 2017, từ mức 10% của 10 năm trước đó, theo McKinsey. Châu Á cũng là "nhà" của hơn 1/3 unicorn của thế giới, tức là các công ty khởi nghiệp có định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Kết quả thăm dò của công ty tuyển dụng Michael Page cho thấy dịch vụ tài chính có thể là ngành tuyển dụng tích cực nhất ở Hồng Kông và thứ 2 ở Singapore.
Một số quỹ đầu tư và quản lý tài sản quy mô nhỏ ở Hồng Kông đang đưa ra mức lương gấp đôi để thu hút nhân tài. Các công ty cổ phần tư nhân, nơi nhân viên được chia sẻ một phần lợi nhuận của công ty, cũng đang tích cực tuyển dụng nhân viên cấp dưới trong năm qua.
Tại Singapore, cơ hội làm việc tại các quỹ đầu tư và công ty cổ phần tư nhân cũng như loạt công ty fintech và ngân hàng kỹ thuật số mới đang rất rộng mở, theo Lim Chai Leng, giám đốc cấp cao tại công ty tuyển dụng Randstad Singapore.
Một cựu nhân viên ngân hàng tại HSBC ở Hồng Kông cho biết anh chuyển sang làm giám đốc một quỹ đầu tư vào năm ngoái, chấp nhận mức lương cơ bản giảm 20%. Dù tổng thu nhập tăng 70% trong 4 năm làm việc, song anh cho biết muốn tiếp tục chuyên môn quản lý vốn nên nhảy việc.
Startup và công ty chuyên biệt quy mô nhỏ mang lại một công việc linh hoạt hơn cũng như các phúc lợi khác mà những "tay chơi" lâu năm trên thị trường đang không thể làm được.
Các công ty công nghệ lớn cũng là nơi thu hút nhân sự từ ngành ngân hàng. Tháng trước, Phó Chủ tịch Shiyi Lin của Morgan Stanley quyết định bỏ việc để gia nhập mảng đầu tư chiến lược của Alibaba Group, theo thông tin trên trang LinkedIn của bà.
Daniel Yuan, cựu chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs, cũng rời ngân hàng này vào năm 2019 để trở thành giám đốc nhân sự của công ty tài chính trực tuyến Futu Holdings. Ông cho biết dù Goldman là nơi dạy ông mọi thứ về tài chính, song ông nhận thấy khả năng thăng tiến của mình ở ngân hàng này quá khó.
Nhà băng khó giữ chân nhân viên
Giới nhà băng bắt đầu chú ý nhiều hơn tới làn sóng thôi việc này. Tháng trước, HSBC - đang trong giai đoạn chuyển trọng tâm sang thị trường châu Á - cam kết với các nhân sự mới về một con đường thăng tiến ngắn hơn, tức là sẽ được thăng chức sau 3 năm thay vì 4 năm như trước. Ngân hàng này cũng cam kết tăng lương cho nhân viên.
"Ở châu Á, các nhân viên ngân hàng cấp dưới có nhiều khả năng bỏ việc để tìm kiếm cơ hội mà họ thấy hấp dẫn hơn về mặt tài chính. Giờ làm việc kéo dài và áp lực căng thẳng của nghề ngân hàng là những yếu tố thúc đẩy họ làm như vậy", John Mullally - Giám đốc khu vực tại Robert Walters nhận định.
Làn sóng thôi việc của giới nhân viên ngân hàng đã dẫn tới một số hậu quả. Trong 12 tháng qua, các thương vụ mua lại và sáp nhập tăng 30% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các đợt IPO cũng tăng 44%, theo số liệu của Bloomberg. Vì vậy, khối lượng công việc của những người ở lại tăng lên đáng kể.
Một nhân viên ở JPMorgan cho biết sau khi một đồng nghiệp thôi việc, khối lượng công việc của ông đã tăng gấp đôi và phải làm việc trung bình 18 tiếng một ngày mà chưa được nghỉ trong gần hai tháng qua. Người này cho biết ông đang tích cực tìm kiếm công việc mới ở một công ty ít phân cấp hơn và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
Kim Dung
Theo Bloomberg