Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Cẩn trọng đầu tư vàng khi dễ rơi vào thế… “bánh mì kẹp thịt”

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng tăng vọt là do căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không có dấu hiệu suy giảm, khiến Việt Nam dễ rơi vào thế “bánh mì kẹp thịt”. Cuộc chiến này hiện đã quá phức tạp, vượt quá khả năng đánh giá, phân tích cũng như dự báo chuẩn xác, nên các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi mua vàng ở thời điểm này.

Giá vàng có dấu hiệu… “lao đao”

Tại Việt Nam, tính đến 14h30 ngày 14/8, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,320 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,770 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,250 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,620 triệu đồng/lượng (bán ra).

Còn trên thị trường thế giới, tại thời điểm sáng 14/8, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.496,48 USD/oz, giảm 19,43 USD/oz ở chiều mua vào và 1.496,50 USD/oz, giảm 19,85 USD/oz chiều bán ra so với phiên sáng 13/8.

Cẩn trọng đầu tư vàng khi dễ rơi vào thế… “bánh mì kẹp thịt” - 1

Giá vàng ngày 14/8 có mức giảm sâu so với phiên ngày liền trước

Giá vàng ngày 14/8 có mức giảm sâu so với phiên ngày liền trước, nguyên nhân là bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có thông báo chính thức sẽ lùi thời hạn đánh thuế 300 tỷ USD lên hàng hoá của Trung Quốc đến tháng 12 năm nay.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vàng vẫn có thể lấy lại đà tăng vì những bất ổn địa chính trị. Thị trường tài chính trở nên bất ổn do cuộc chiến Mỹ-Trung ngày càng khó lường sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm tỉ giá Nhân dân tệ (NDT) phiên thứ 9 liên tiếp và phiên thứ 4 liên tiếp xuống sâu dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một cuộc đua giảm lãi suất trên thế giới cũng góp phần kéo giá vàng lên cao. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần hết sức thận trọng khi đầu tư vàng tại thời điểm này. Bởi lẽ, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Trong khi đó, Việt Nam lại là nước nằm cạnh “tâm bão” của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cho nên rủi ro xảy ra do ảnh hưởng bởi cuộc chiến này là điều có thể.

Việt Nam rơi vào thế… “bánh mì kẹp thịt”?

Thực tế cho thấy, xung đột thương mại Mỹ - Trung căng thẳng “leo thang” sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc và chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Mặt khác, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là quan hệ thương mại mà còn liên quan đến lĩnh vực khác, nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ vì Mỹ cho rằng phần lớn các phát minh, sáng chế của họ đều bị doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sao chép để sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Cẩn trọng đầu tư vàng khi dễ rơi vào thế… “bánh mì kẹp thịt” - 2

TS Bùi Quang Tín cho rằng, nếu Trung Quốc mạnh tay phá giá đồng NDT so với đồng USD, Việt Nam sẽ rơi vào tình thế "bánh mì kẹp thịt"

Theo Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TPHCM), nhiều người vẫn quan ngại cuộc chiến thương mại, tiền tệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn. Đặc biệt, nếu Trung Quốc mạnh tay phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng đô la Mỹ (USD), Việt Nam sẽ rơi vào tình thế "bánh mì kẹp thịt". Bởi hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ, ảnh hưởng không tốt đến kim ngạch xuất khẩu.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, trong thời gian tới, nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá NDT quá nhiều thì rất nhiều khả năng các nhà đầu tư nước ngoài thấy lợi ích của mình bị thiệt thòi, lập tức rút vốn ra khỏi thị trường nước này. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào khủng khoảng.

Mặt khác, đồng NDT bị phá giá còn làm gánh nặng nợ nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên, ảnh hưởng không tốt đến việc sản xuất hàng hóa, làm suy yếu khả năng trả nợ của họ.

Trong khi đó, ngoài việc áp thuế, Mỹ còn có lợi thế khác là giảm lãi suất và dự kiến sẽ giảm thêm trong thời gian tới. Hiển nhiên, nếu Trung Quốc phá giá NDT, FED sẽ giảm thêm lãi suất. Với việc áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ có thể tăng thêm nguồn thu ngân sách, tạo ra nhiều việc làm, kích thích kinh tế tăng trưởng. Còn việc giảm lãi suất USD sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ gia tăng sản xuất hàng hóa nội địa lẫn xuất khẩu.

“Từ đó, Mỹ sẽ đạt được “lợi ích kép” về kinh tế. Lúc đó, thị trường tiền tệ tại Việt Nam sẽ giảm được áp lực, tỉ giá và lãi suất cũng có cơ hội ổn định”, TS. Bùi Quang Tín nhận định. 

Tuy nhiên, TS. Tín lại cho rằng, Trung Quốc sẽ khó phá giá đồng NDT quá nhiều. Mặt khác, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện đã quá phức tạp, dần vượt quá khả năng đánh giá, phân tích cũng như dự báo chuẩn xác. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại này lại đang đặt ra thách thức rất lớn cho các quốc gia có quan hệ thương mại với hai nước trên, trong đó có Việt Nam. Do đó, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi “rót tiền” mua vàng trong lúc giá vàng đang “sốt sình sịch” như hiện nay.

Quế Sơn