Vietcombank TPHCM vừa thông báo phát mại khoản nợ Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 8 với giá khởi điểm hơn 22,8 tỷ đồng. Tổng dư nợ của Công ty Việt Trường Sơn tại ngân hàng hiện nay là 33,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 5 bất động sản tại TP Đà Lạt và một bất động sản tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
BIDV cũng vừa phát đi thông báo bán đấu giá tài sản Công ty Archplus lần thứ 6, với mức giá khởi điểm hơn 294 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết tài sản đấu giá là khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu của Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus tại BIDV, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ. Tổng dư nợ tính đến ngày 15/4 hơn 498 tỷ đồng.
Theo ngân hàng, tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối với khoản nợ trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3 m2 trên đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội). Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/5/2005.
Ngoài ra còn có 3 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Thời trang NEM của ông Trương Việt Bình, Giám đốc Archplus.
Đại dịch Covid-19 tác động lên nền kinh tế khiến việc thu hồi nợ xấu khó khăn (Ảnh minh họa: Thu Hương).
Trước đó, ngân hàng này đã từng rao bán khối tài sản của Công ty CP Thuận Thảo cả chục lần, bao gồm khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng và khu trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo.
VietinBank chi nhánh Bắc Hưng Yên cũng thông báo bán đấu giá công khai khoản nợ của 2 công ty. Trong đó, Công ty TNHH XD VT & TM Thành Đạt có tổng dư nợ gốc và lãi tính đến ngày 17/3 gần 24 tỷ đồng và Công ty CP tư vấn xây dựng CDC hơn 1,7 tỷ đồng. Đây cũng là 2 món nợ mà ngân hàng này đã rao bán lần thứ 4 nhưng chưa có người mua.
Sacombank thông báo bán nhiều khoản nợ của cá nhân phát sinh từ 10 năm trước. Ngoài các khoản nợ cá nhân, ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ của các công ty như Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Vận tải Lan Anh (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn TPP), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ, Công ty Cổ phần Ngọc Sương, Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải...
Trong đó, khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá trị lớn nhất là hơn 473 tỷ đồng, giá khởi điểm tương đương gần 23% tổng dư nợ hơn 108 tỷ đồng.
Những động thái trên có thể thấy xu hướng rao bán tài sản thế chấp để xử lý và thu hồi nợ xấu đang ngày càng được đẩy mạnh khi thông báo phát mại tài sản liên tục xuất hiện dày đặc trên trang web của các ngân hàng thời gian qua.
Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Viện phó Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) - khi nền kinh tế khó khăn, việc xử lý nợ xấu khá khó khăn. Chỉ khi nào, nền kinh tế hanh thông trở lại, người dân cảm thấy lạc quan vào sản xuất kinh doanh, việc phát mãi tài sản mới thuận lợi.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, thậm chí đứt hẳn dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, "bóng ma" nợ xấu lại quay trở lại. Hơn một năm qua, các tổ chức tín dụng đã khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp.
Trước đó, chia sẻ tại Tọa đàm "Nợ xấu trong đại dịch Covid -19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp", ông Đoàn Văn Thắng -Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - cho biết: Từ 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỷ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu và sẽ ra mắt vào khoảng đầu quý III này.
Nguyễn Hiền