Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Các ngân hàng rục rịch giảm lãi vay

Thảo Thu
Thảo Thu

Dịp cuối năm, một số ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay với cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, trái ngược với xu hướng tăng liên tục của lãi suất huy động gần đây.

HDBank mới đây đã công bố giảm lãi suất cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, ngân hàng này giảm lãi suất cho vay 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất là 120 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, HDBank thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp nông thôn với mức lãi suất giảm 0,5-3,5%/năm. Với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng này giảm lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm với khách hàng thuộc các lĩnh vực: xuất nhập khẩu; tại các khu chế xuất- khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục- đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống. 

Từ ngày 1/11, khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu của Vietcombank cũng được giảm lãi suất cho vay tới cuối năm. 

Cụ thể, nhà băng này cho biết sẽ giảm lãi suất tới 1%/năm với các khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân hiện hữu có khoản vay bằng VND tại ngân hàng. Thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất này là từ 1/11 đến hết 31/12 năm nay.

Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất nói trên của Vietcombank sẽ không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng diễn ra hoàn toàn trái ngược với xu hướng tăng liên tục của lãi suất huy động gần đây. Chỉ trong 2 trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã đưa ra hàng chục đợt điều chỉnh lãi suất huy động với xu hướng tăng mạnh. Mức lãi suất 10%/năm với kỳ hạn 12 tháng đã quay trở lại trên thị trường. 

Hiện mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã lên tới 8-9%/năm, trong khi lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) cũng là 6%/năm với kênh quầy và 7,8%/năm với kênh online (riêng tại VietinBank).

Còn với kỳ hạn 12 tháng, mặt bằng lãi suất cũng 7,4-9%/năm với hình thức gửi tại quầy. Trong khi đó, với hình thức gửi online, nhiều ngân hàng đang trả lãi vượt 9%/năm. NCB là quán quân gửi tiền kỳ hạn này, với lãi suất tại quầy là 9%/năm còn online lên tới 10,35%/năm.

Việc các ngân hàng đang cần vốn "đua" trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền những tháng cuối năm để cạnh tranh, cũng đồng nghĩa làm tăng chi phí đầu vào. Điều này khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo.

Ước tính, biểu lãi suất cơ sở tăng 0,5-1,2%/năm trong một tháng trở lại đây, cộng với biên độ khoảng 3-4,5%, khiến lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện vượt mức 13%/năm, thậm chí tại một số đơn vị lên tới 15%/năm. Tuy đã có 2 ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất cho vay, nhưng theo các khách hàng, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và việc giảm lãi suất cho vay không diễn ra đồng loạt. Nhiều khách hàng lo ngại lãi suất cho vay tại các nhà băng còn lại có thể tăng trong 3-6 tháng tới, tương đương với giai đoạn kinh doanh đầu năm 2023.

Thảo Thu