Dữ liệu thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, tuần từ ngày 4-8/11, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm ròng 5.998 tỷ đồng qua thị trường mở.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành mới 45.998 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 2,25%) và lượng tín phiếu đáo hạn đạt 51.996 tỷ đồng. Trên kênh thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm ròng 5.998 tỷ đồng qua thị trường mở (ảnh minh họa)
Như vậy, hiện tại lượng tín phiếu đang lưu hành là 45.998 tỷ đồng và không có lượng thị trường mở nào đang lưu hành. Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, hoạt động bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước đang có dấu hiệu giảm dần khi thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu dồi dào.
Lãi suất liên ngân hàng trong tuần tăng ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng lần lượt 0,5%; 0,5% và 0,25%, lên mức 1,95%/năm; 2,15%/năm và 2,15%/năm. Vùng hiện tại cũng được dự báo sẽ là vùng ổn định của lãi suất liên ngân hàng.
Theo đánh giá của Bảo Việt, nguồn cung ngoại tệ hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào với các thương vụ bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài (mới nhất là trường hợp BID cho biết đã thu được gần 1 tỷ USD từ thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank).
Ở một diễn biến liên quan, ngày 11/11, hoạt động thị trường mở ghi nhận phiên đầu tiên sau chuỗi gần hai tháng qua Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu 5.000 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về.
Đây cũng là quy mô thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2019 đến nay - thời điểm cao điểm khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ hút bớt tiền về.
Từ giữa tháng 9/2019, sau khi mua vào lượng lớn ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện hút mạnh tiền đồng về với loạt phiên phát hành tín phiếu có quy mô lên tới 15.000 tỷ đồng, và sau đó xuất hiện những phiên kỷ lục 18.000 tỷ đồng.
Số dư lưu hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (lượng vốn VND tạm hút về “cất kho”) quãng cao điểm đó lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, như trên, từ cuối tháng 10 cho đến nay, mặc dù vẫn đều đặn phát hành tín phiếu nhưng nhà điều hành đã từng bước giảm quy mô hút về mỗi ngày, từ 18.000 tỷ đồng xuống 15.000, 10.000 và như trên đến đầu tuần này chỉ còn 5.000 tỷ đồng/phiên.
Trong khi đó, lượng lớn tín phiếu đều có kỳ hạn ngắn 7 ngày trước đó lần lượt đáo hạn, nguồn vốn lần lượt được trả lại hệ thống. Và tính đến đầu tuần này, với quy mô hút tiền về giảm đi như trên, đã có khoảng 50.000 tỷ đồng ngấm ra thị trường; số dư lưu hành tín phiếu đến 11/11 chỉ còn 43.000 tỷ đồng.
An Hạ