Trích lập dự phòng gần 500 tỷ đồng chứng khoán đầu tư
Ngân hàng BIDV công bố kết quả lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II đạt 4.726 tỷ đồng, tăng trưởng tới 86% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngân hàng có vốn Nhà nước trong nhóm 3 ngân hàng vốn Nhà nước đang niêm yết trên sàn tăng trưởng lợi nhuận trong quý II.
Ngược lại, lợi nhuận Vietcombank sụt giảm 14% so với quý II năm trước còn 4.938 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank cũng giảm 38% so với cùng kỳ 2020 còn 2.790 tỷ đồng.
Về BIDV, thu nhập lãi chỉ tăng 11% so với cùng kỳ nhưng chi phí lãi lại thấp hơn tới 20%, nhờ đó thu nhập lãi thuần quý II đạt 12.698 tỷ đồng, tăng trưởng 83%.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của BIDV cũng tăng mạnh 46% lên 1.765 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 405 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ 2020.
Biểu đồ: Việt Đức
Với nghiệp vụ mua bán chứng khoán kinh doanh, BIDV thu lãi 125 tỷ đồng, tuy nhiên lại lỗ 165 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, BIDV có lãi 797 tỷ đồng từ hoạt động này.
Tính chung 6 tháng đầu năm, ngân hàng lỗ tới 493 tỷ đồng từ nghiệp vụ mua bán chứng khoán đầu tư. Trong phần thuyết minh, khoản lỗ xuất phát từ việc trích lập chi phí dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư còn thu nhập chỉ 1 tỷ đồng.
Đến thời điểm ngày 30/6, dự phòng rủi ro cho chứng khoán đầu tư, hầu hết là chứng khoán nợ, của BIDV lên tới 1.073 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng không thuyết minh cụ thể phần dự phòng trên liên quan đến các khoản đầu tư trái phiếu cụ thể nào.
Tổng thu nhập hoạt động trong quý II của BIDV đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so với quý II/2020. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng gần gấp đôi lên 8.251 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động chỉ tăng thấp giúp BIDV cải thiện đáng kể hiệu quả vận hành thể hiện qua chỉ số CIR (chi phí trên tổng thu nhập). CIR trong quý II của ngân hàng chỉ còn 24%, thấp hơn nhiều con số 37% cùng kỳ 2020.
Sau 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt gần 31.700 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng gần 50% lên 23.528 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 86%. Đây là mức lãi kỷ lục của BIDV theo chu kỳ 6 tháng đầu năm.
Giảm nợ xấu, tăng tỷ lệ dự phòng
BIDV cho biết đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng, triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368.000 tỷ đồng và đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Trong 6 tháng cuối năm, ngân hàng dự kiến tiếp tục hỗ trợ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay với số tiền 2.000 tỷ đồng đối với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng đối với dư nợ cho vay mới cho các khách hàng gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Tổng tài sản của BIDV đến cuối tháng 6 là 1,64 triệu tỷ đồng. Đây vẫn là ngân hàng quán quân về tổng tài sản trong số các ngân hàng thương mại.
Dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng 7% sau 6 tháng; huy động tiền gửi tăng hơn 5%.
Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tại thời điểm 31/6 là 1,63%, giảm so với mức 1,76% vào cuối năm 2020. Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đều giảm sau 6 tháng, riêng nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng.
Biểu đồ: Việt Đức.
Với việc mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của BIDV đến cuối tháng 6 lên tới 131%, cao hơn nhiều so với con số 88% tại thời điểm kết thúc năm 2020.
Việt Đức